[REVIEW SÁCH] Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? – Rosie Nguyễn
“Những ngày tuổi trẻ tưởng dài rộng mênh mông nhưng kỳ thực lại rất hữu hạn ngắn ngủi. Nên nếu bạn còn trẻ, hãy học cách để biến tuổi trẻ của bạn thành vô giá.”
Trên đây là vài dòng tâm sự chân thành đến từ Rosie Nguyễn, trích từ cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”. Được viết bởi một người trẻ đã từng ở trong khủng hoảng, bứt phá thành công và tìm thấy đam mê của chính mình, tác phẩm giúp bạn đọc trả lời những câu hỏi cơ bản “Học gì, làm gì và đi đâu?”– những chủ đề không quá mới lạ nhưng lại tạo nên sức hút lớn khi cuốn sách luôn nằm trong danh sách “best-seller” nhiều năm liên tiếp.

Hãy cùng giải mã xem sức hút của cuốn sách nằm ở đâu nhé!
“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” thuộc thể loại gì?
Bạn từng đọc nhiều cuốn sách về phát triển bản thân, quá quen thuộc với những thể loại sách dạy kỹ năng nhưng đa phần nội dung giống nhau và bạn chẳng thể áp dụng vào thực tế?
Vậy thì cuốn sách này cũng không khác nhiều lắm so với những cuốn kia đâu bởi nó cũng được xếp vào thể loại self-help. Thế nhưng nó lại không hề khô khan, gò bó, ép buộc mà là vừa tâm sự, vừa thúc giục, cổ vũ khiến người đọc không thể rời mắt. Bên cạnh đó, nội dung sâu sắc và thực tế đến từ những góc nhìn đa chiều cũng là điểm nhấn của tác phẩm.
“Học, làm, đi” – Chủ đề cũ nhưng cách tiếp cận mới.
Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện của Rosie về trải nghiệm thực tế, từ thời học trò ngây thơ, thời sinh viên không mấy nổi trội cho đến công việc văn phòng đầy áp lực và cuối cùng trở thành một người viết sách, một hướng dẫn viên yoga, một Tabalo trên đất Á,…
“Chỉ khi đã ở những năm gần cuối của lứa tuổi đôi mươi, tôi mới nhận ra rằng cách tốt nhất để trải qua tuổi trẻ của mình là học thật nhiều, làm thật nhiều, đi thật nhiều, gặp gỡ thật nhiều người và chứng kiến nhiều điều. Phấn đấu dấn thân xông pha trải nghiệm là cách rất tốt để xây dựng nền tảng tiền đề cho tương lai.”
Cùng lần lượt tìm hiểu cách tác giả khai phá những góc cạnh đặc biệt từ những chủ đề tưởng như đã cũ như thế nào nhé!
1. Tầm vóc của sự TỰ HỌC

Những mẩu chuyện, dẫn chứng được đề cập trong phần này đều đưa các bạn trẻ hướng đến sự chuyên tâm với “Tự học”. Từ câu chuyện về cậu bé Minh – kẻ chán ngán với các môn học ở trường và không có ý định học tiếp đến hai huyền thoại từng bỏ dở việc học như Bill Gates và Steve Jobs, suy cho cùng tác giả muốn nói với những người trẻ rằng:
“…tiếp tục hay bỏ dở việc học ở trường không phải là điều quan trọng. Mấu chốt mà ta cần ghi nhớ là luôn chủ động và tích cực trong việc tiếp thu, trau dồi tri thức, kể cả có học ở trường hay không. Bỏ học không quyết định thành công hay thất bại của bạn. Nhưng nếu bạn không biết tự học cả trong và sau khi rời khỏi ghế nhà trường thì bạn sẽ cầm chắc thất bại.”
2. “Học” đi đôi với “Hành”

Nếu bạn đang bối rối trong sự lựa chọn công việc cho bản thân, thì phần này là dành cho bạn! Qua các mục như: Làm thế nào để hiểu mình, Đam mê là tất cả, Dốc hết tình yêu, Con đường nào tôi đi,… Rosie sẽ lần lượt giới thiệu các phương pháp khoa học giúp bạn khám phá bản thân cũng như truyền cảm hứng qua các câu chuyện. Điển hình là về nghệ nhân làm sushi nổi tiếng thế giới Jiro Ono, người đã giành 75 năm cuộc đời để theo đuổi, dồn hết tình yêu vào sự nghiệp. Và ông đã thành công như thế nào? Hạnh phúc ra sao với công việc của mình? Hãy đọc sách và đi tìm câu trả lời nhé!
3. Biển rộng, trời cao cứ vẫy vùng
Là một “Tabalo trên đất Á”, hơn ai hết Rosie hiểu rõ các vấn đề xung quanh sau những cuộc phiêu lưu đầy thú vị như nỗi lo phụ huynh, những đêm ngủ vật vờ tại sân bay, khi hoang mang về con đường phía trước,… Nhưng trên hết điều cô nhận được là vô giá. Ví dụ như sau khi gặp Ambi – một cô gái có lối sống vô cùng lành mạnh, Rosie đã tìm ra cách sống cho bản thân mình và quyết định theo nó đuổi cả cuộc đời.
4. “Đọc sách nhiều nữa vào” – Thông điệp được khéo léo lồng ghép
Mặc dù không nằm trong ba vấn đề chính được đề cập nhưng trong cuốn sách tác giả nhiều lần lặp lại rằng, thay vì làm những việc vô bổ, uổng phí thanh xuân, hãy đọc sách đều đặn mỗi ngày để mở rộng tầm hiểu biết của chính mình vì “sách là cả thế giới”

“Không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng lại có một sự thực rõ ràng khác là những người thành công đọc rất nhiều sách.”
Rosie Nguyễn cũng chia sẻ phương pháp đọc sách của chính mình để làm sao vẫn đọc được nhiều sách, thu được nhiều kiến thức mà không cảm thấy chán. Ví dụ như: bạn nên cân bằng giữa việc đọc sách hư cấu và phi hư cấu, nên đọc những tác phẩm văn học kinh điển thay vì đọc những cuốn sách nói về tình cảm nam nữ đơn thuần,…
Lời kết
Một cuốn sách hay không phụ thuộc vào review tốt, bán chạy. Nó chỉ thực sự trở thành vũ khí sắc bén cho cuộc đời bạn, khi bạn cần cù và kiên trì áp dụng những bài học, kiến thức ấy vào thực tế. Đặc biệt như “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” hãy đọc nó bằng cả trái tim bạn nhé!