Posts

SINH VIÊN NĂM NHẤT CÓ NÊN ĐI LÀM THÊM?

Bước chân vào cánh cửa đại học là mở ra một cuộc sống mới, ắt hẳn nhiều sinh viên còn đôi chút bỡ ngỡ và chưa quen với việc tự quản lý bản thân mà đặc biệt là chi tiêu. Đó là lý do mà nhiều người mong muốn có được một công việc làm thêm để có thể phần nào tự chủ hơn về tài chính. Vì vậy, hãy cùng LSC khám phá ngay vấn đề này để chúng ta có cái nhìn rõ hơn trước khi quyết định có nên đi làm thêm không nhé!

Điều gì thôi thúc các bạn đi làm thêm?

Thời gian rảnh cộng với đó là mong muốn có thêm thu nhập, mong muốn khám phá và thử sức mình đôi khi thôi thúc chúng ta tìm kiếm một công việc part-time. Nếu đơn thuần là để có thêm tiền để chi tiêu thoải mái hơn thì chúng ta có thể lựa chọn các việc đơn giản như gia sư, nhân viên order hay shipper. Sở dĩ gia sư rất được ưa chuộng với sinh viên là bởi các bạn dễ dàng tận dụng được kiến thức từ 12 năm đèn sách, vừa có thu nhập khá lại cải thiện khả năng giao tiếp.

Còn nếu mục đích đi làm của bạn là để lấy thêm kinh nghiệm thì các vị trí như sales, marketing hay tư vấn khách hàng sẽ phù hợp hơn cả. Đặc biệt, khi chúng ta có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đấy và có nguyện vọng đi làm để thỏa mãn đam mê. Bạn có thể dành thời gian rảnh của mình để làm content cho các page nếu bạn là người thích viết lách, có thể design ấn phẩm nếu bạn là con người ưa sáng tạo và cũng có thể nhận dịch thuật nếu giỏi ngoại ngữ.

Hai mặt của việc làm thêm

Bất kỳ vấn đề nào thì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Đối với việc đi làm thêm cũng vậy! Cái lợi đầu tiên dễ dàng thấy được là sự trải nghiệm bản thân ở một vị trí mới mẻ. Bạn sẽ có cơ hội cải thiện kỹ năng làm việc, khả năng teamwork cũng như cách giao tiếp với mọi người xung quanh. Có lẽ đây chính là lý do chủ yếu khiến nhiều sinh viên hiện nay quyết định ứng tuyển vào một công ty, tổ chức nào đó ngoài trường học.

Bên cạnh đó, việc đi làm sẽ giúp chúng ta có thêm những khoản thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Thực tế đã chỉ ra rằng những bạn chăm chỉ, biết cách tiết kiệm và đầu tư hiệu quả còn có thể tự lập về kinh tế, đỡ một phần gánh nặng không nhỏ cho bố mẹ. Hơn thế nữa, chúng ta sẽ có thêm những mối quan hệ mới và rất nhiều bài học thực tế ngoài cuộc sống mà nhà trường không thể cho bạn được.

Nhưng ngược lại với đó sẽ là những cái hại không phải ai cũng thấy được, mà đáng lo ngại nhất phải kể đến là lừa đảo. Có thể bây giờ không còn là thời của đa cấp nữa nhưng tỉ lệ sinh viên năm nhất đi làm thêm bị lừa cũng rất cao. Lý do chủ yếu là vì các bạn chưa tìm hiểu kỹ thông tin, chạy theo đám đông hay chưa có nhiều va chạm ngoài cuộc sống.

Một điều khó tránh khỏi với rất nhiều bạn có công việc part-time chính là bị xao nhãng học hành dẫn đến kết quả thi kém và tụt dốc. Thời gian là hữu hạn nên nếu bạn không biết phân bổ hợp lý giữa việc đi làm, chạy deadline ở công ty với việc học ở trên lớp thì tình trạng này rất có thể xảy ra. Điều còn lại mà nhiều người thường chủ quan, đó là dễ hư hỏng, dễ bị dính vào những tệ nạn xã hội nếu không cẩn thận. Đa số môi trường làm việc là nơi ít nhiều có sự đấu đá nhau và đôi khi bạn sẽ bị stress và lạc lõng giữa những áp lực đó.

Lời khuyên nào cho sinh viên năm nhất?

Điều mấu chốt cho câu hỏi “Sinh viên năm nhất có nên đi làm thêm hay không?” nằm ở chỗ bạn phải xác định rõ tầm quan trọng của việc học và việc đi làm. Nếu bạn là người đang quản lý tốt được việc học, muốn tích lũy thêm kinh nghiệm trong khoảng thời gian rảnh rỗi thì bạn nên đi làm và hãy tham khảo những công việc có chọn lọc như đã nêu ở trên.

Còn những bạn chưa muốn đi làm thêm cũng đừng quá lo vì sợ thiếu kinh nghiệm, bởi công việc chính của chúng ta vẫn là học. Bố mẹ trả tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền học phí cho chúng ta thì hãy coi như đó là một khoản đầu tư dài hạn. Vì vậy, hãy biến khoản đầu tư này sinh lời bằng cách học thật giỏi, nghiên cứu chuyên ngành thật sâu để khi ra trường bạn có thể vững vàng với chuyên môn của mình. Khi ấy, một công việc ổn định với mức lương xứng đáng sẽ nằm chắc trong tay bạn.

Lời kết

Bài viết mang tính chất tham khảo, định hướng cho những sinh viên năm nhất vừa bước chân vào cánh cổng đại học. Việc bạn có quyết định đi làm thêm hay không còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như gia đình, bạn bè hay khả năng của bản thân. Vậy nên, hãy suy nghĩ thật thấu đáo trước khi lựa chọn nhé!

SINH VIÊN TÌNH NGUYÊN: NÊN HAY KHÔNG?

Tình nguyện là tốt, là có ích cho xã hội. Nhưng phải chăng “tình nguyện” thời nay đang dần dần biến chất?

Nhìn lại những phong trào tình nguyện đang ngày càng mở rộng ở khắp mọi miền, đặc biệt là những phong trào xuất phát mạnh mẽ từ các tổ chức sinh viên, chúng ta thực sự phải đặt câu hỏi: Sinh viên tình nguyện – nên hay không?

Tình nguyện là gì?

Tình nguyện có thể hiểu đơn giản là những  hoạt động đầy ý nghĩa có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, xã hội và hoàn toàn tự nguyện.

Tình nguyện mang lại lợi ích gì cho sinh viên?

Giúp con người tiến gần nhau hơn

Tình nguyện cho ta cơ hội gặp gỡ, lao động, chung sống với những con người cùng chung lý tưởng.

Đi làm tình nguyện, chúng rời xa những thiết bị công nghệ và được gặp gỡ, lao động, chung sống với những con người cùng chung lý tưởng, mục tiêu. Chắc chắn chúng ta sẽ tìm được những người bạn để cùng chia sẻ và cùng nhau phát triển.

Có được sự hiểu biết về xã hội bên ngoài

Môi trường học tập ở Đại học dạy ta nhiều điều nhưng chưa dạy ta hết về xã hội bên ngoài. Tham gia tình nguyện, bước ra ngoài thế giới, chúng ta sẽ nhận ra rằng tầm nhìn của bản thân mình vẫn còn nhiều hạn hẹp. Mỗi một lần tình nguyện, thế giới quan của chúng ta lại thêm một lần rộng mở.

Giúp người trẻ biết mở rộng lòng mình

Làm tình nguyện khiến tâm hồn ta hướng thiện và đong đầy yêu thương.

Làm tình nguyện khiến tâm hồn ta hướng thiện và đong đầy yêu thương. Chỉ một nụ cười, một lời cảm ơn chân thành cũng khiến ta cảm thấy hạnh phúc biết bao. Ta chợt nhận ra rằng hạnh phúc không đơn thuần là một cuộc sống đủ đầy vật chất mà đôi khi chỉ là những sự cho đi, sẻ chia nồng ấm giữa cuộc đời vẫn còn rất nhiều những khó khăn này.

Mở ra cho sinh viên nhiều cơ hội trong tương lai

Các nhà tuyển dụng của thế hệ mới, họ không chỉ chú trọng vào chuyên môn của một người mà còn rất chú trọng vào các kĩ năng, các hoạt động bên lề. Tham gia tình nguyện tích cực chính là một điểm cộng tuyệt vời cho CV của bạn giữa hàng ngàn các ứng viên khác.

Mặt trái của phong trào sinh viên tình nguyện?

Cũng như một tờ giấy luôn có hai mặt, chúng ta không thể phủ nhận rằng vẫn còn tồn tại nhiều điểm tiêu cực trong hoạt động tình nguyện của sinh viên.

Tình nguyện đang trở thành một “mốt”?

Với số lượng sinh viên tham gia một cách ồ ạt cũng như sự xuất hiện liên tục của các chương trình tình nguyện trải dọc trong năm thì nhiều người cho rằng, tình nguyện dường như là “mốt” của giới trẻ, rất nhiều bạn sinh viên chỉ muốn tham gia hoạt động để… cho bằng bạn bè.

Nhiều tổ chức tình nguyện nhỏ lẻ, tự phát

Để tổ chức ra một nhóm tình nguyện không phải là điều khó khăn, bởi một cá nhân cũng có thể làm được điều này. Tuy nhiên, do bởi tính chất tự phát nên các tổ chức đó thường không có quy định chặt chẽ hay mục tiêu rõ ràng nên dễ dẫn đến hậu quả là sự hoạt động chỉ mang tính cảm hứng, không có kết quả tốt.

Không còn giữ được những ý nghĩa tốt đẹp vốn có

Tham gia tình nguyện vốn là để giúp đỡ và xây dựng cộng đồng, vậy mà những ý nghĩa tốt đẹp này dường như đã dần mất đi trong hoạt động tình nguyện của sinh viên. Nhiều bạn trẻ chỉ biết so đo, tính toán, chọn một nơi “dễ tình nguyện” thay vì chọn những nơi cần có được sự giúp đỡ vì còn ngại khó, ngại khổ. Thậm chí có bạn còn quan niệm tình nguyện là “đi chơi” xả xì-trét hay để có điểm cộng, do đó chỉ góp mặt và chẳng làm gì.

Tình nguyện trở thành công cụ trục lợi

Tình nguyện trong mắt của nhiều người đã thật sự trở nên xấu xí, bởi lẽ nó trở thành một công cụ cho nhiều người có ý đồ xấu lợi dụng. Đơn cử có thể kể đến như trường hợp của chương trình “Tiếp sức mùa thi” nhằm giúp đỡ các sĩ tử trong kì thi Đại học, nhiều bạn sinh viên tham gia chưa kịp đóng góp được bao nhiêu thì đã vội đi bán giải đề để… kiếm tiền.

Vậy, sinh viên có còn nên làm tình nguyện?

Hãy làm việc tốt bằng cái đầu lạnh và mang đến lợi ích đích thực cho cộng đồng.

Sắc áo xanh tình nguyện vốn là một truyền thống hết sức đẹp đẽ, đáng quý của sinh viên Việt Nam. Nó cần được phát huy và gìn giữ. Nhìn vào những mặt trái của hoạt động tình nguyện ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục cũng như tổ chức những buổi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm tình nguyện đến rộng rãi các bạn sinh viên. Đồng thời, nhà trường cùng những tổ chức thanh niên – sinh viên lớn trên mọi miền cần có những quy tắc nhất định đối với các phong trào tình nguyện để hạn chế nhiều nhất được các rủi ro, tiêu cực trong tình nguyện.

Vậy nên, những người trẻ, đừng ngần ngại làm việc tốt, nhưng hãy làm nó bằng cái đầu lạnh và mang đến lợi ích đích thực cho cộng đồng.