[REVIEW SÁCH] Đắc nhân tâm – Bậc thầy trong nghệ thuật giao tiếp

Đã bao giờ bạn từng tự hỏi mình rằng bản thân đã làm tốt trong ứng xử đời thường chưa? Bạn có hay gặp khó khăn trong giao tiếp không? Có bao giờ bạn bị bối rối không biết ứng xử sao khi gặp khách hàng khó tính? Hay bạn đang tìm kiếm phương pháp để cải thiện các mối quan hệ đang có?
Câu trả lời cho những thắc mắc trên đều nằm trong Đắc nhân tâm – cuốn sách đã luôn nằm trong top bán chạy nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất thời đại, là cuốn sách gối đầu giường của biết bao bạn trẻ các thế hệ.
“Đắc nhân tâm” ra đời như thế nào?
Dale Breckenridge Carnegie vốn là một nhà văn – nhà thuyết trình người Mỹ, là người phát triển các lớp tự giáo dục nói trước công chúng và các kỹ năng giao tiếp giữa mọi người. Để có thể viết thành công cuốn sách này, Dale đã phải bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu, tìm kiếm, khảo sát trên các đối tượng khác nhau. Ban đầu, nó chỉ là một bài học ngắn, nhưng tích lũy dần theo thời gian, cuốn sách đã dần hoàn thiện và trở thành một bài học chi tiết đầy đủ. Không chỉ vậy, Dale còn liên tục cập nhật và bổ sung kinh nghiệm của mình để cuốn sách “lớn” lên cùng thời gian
Trước khi cuốn sách bắt đầu, là lời khuyên của Dale nên đọc sách như thế nào cho hiệu quả. Đó là cách giúp bạn ghi nhớ và áp dụng dễ dàng nhất. Và bởi đây là cuốn sách của hành động nên bạn sẽ cảm thấy mình muốn vận động, mình muốn thay đổi ngay sau khi đọc cuốn sách.
Bạn học được điều gì từ “Đắc nhân tâm”?
1. Hãy mỉm cười để tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp
“Hầu hết con người đều hạnh phúc nếu họ có những suy nghĩ hạnh phúc” (Abe Lincoln)

Bạn có biết rằng nếu bạn mỉm cười với vợ của mình mỗi sáng và nói với cô ấy rằng bạn yêu cô nhiều thì cuộc sống hôn nhân của bạn sẽ hạnh phúc hơn không?
Hay chỉ cần một nụ cười thật tươi cũng có thể làm bừng sáng cả văn phòng cô đơn, lạnh lẽo, gắn kết mọi người trong công ty lại với nhau không?
Nụ cười là sứ giả thiện chí truyền đi những thông điệp không lời hơn bất cứ lời nói nào. Vì vậy, để hạnh phúc, để tạo ấn tượng tốt, hãy mỉm cười bạn nhé!
2. Không chỉ trích hay than phiền

“Chỉ trích là vô bổ, nó chỉ gây ra thái độ chống đối và bào chữa”
Nếu bạn tiếp cận người khác bằng cách khuyên bảo hay khen ngợi họ thì kết quả sẽ tích cực hơn rất nhiều so với việc chỉ trích, lên án họ. Bởi bản chất con người không ai thích sự chỉ trích cả. Như một cơ chế tự bảo vệ, khi bị chỉ trích con người sẽ tìm mọi cách để bào chữa, biện minh cho mình thay vì nhận lỗi sai.
Một nhà tâm lý học nổi tiếng đã chỉ ra “Nỗi sợ bị lên án của con người cũng lớn như việc khao khát được tán thưởng”. Chính vì vậy, thay vì chỉ trích người khác, hãy nhẹ nhàng khuyên bảo để họ có thể hiểu ra vấn đề của mình.
3. Thành thật quan tâm đến người khác

Trong một cuộc khảo sát xem từ nào được dùng nhiều nhất trong các cuộc điện thoại, đại từ nhân xưng “tôi” xuất hiện nhiều nhất.
Tại sao vậy? Bởi bản thân con người có thói quen đặt bản thân mình lên trên hết. Đứng trước vấn đề gì đó, ai cũng sẽ suy nghĩ về lợi ích của mình đầu tiên.
Nhưng bạn biết không “Ai không quan tâm đến đồng loại sẽ gặp những khó khăn lớn nhất trong đời và sẽ gây ra những tổn hại lớn nhất cho người khác, và sau đó đến chính họ.”(Alfred Adler)
Để thành công, bất cứ ai trong lĩnh vực nào cũng cần quan tâm đến mọi người xung quanh. Đặc biệt là trong cách đối nhân xử thế.
4. Nếu mắc sai lầm, hãy dũng cảm thừa nhận và sửa chữa

Chúng ta ai cũng sẽ mắc sai lầm. Bất kể khi nào bạn mắc sai lầm và người khác chuẩn bị chỉ trích bạn, hãy thừa nhận lỗi sai đó thật nhanh chóng và rõ ràng
Dũng cảm nhận lỗi sai không chỉ khiến người khác đánh giá bạn cao hơn, đem lại cho bạn sự dễ chịu mà còn giúp bạn dễ dàng làm chủ câu chuyện và hướng người khác theo ý muốn riêng của bạn
5. Trước khi phê bình, hãy khen ngợi

Khen ngợi trước khi góp ý cũng giống như nha sĩ bắt đầu công việc bằng thuốc tê. Nó sẽ giúp bệnh nhân khỏi đau đớn khi bị nhổ răng
Nếu bạn bắt đầu câu chuyện bằng lời khen ngợi chân thành thì người đối diện sẽ cảm thấy thoải mái, dễ dàng chấp nhận sự phê bình của bạn hơn và họ sẽ vui vẻ tự động bù đắp vào những thiếu sót đó của bản thân. Bởi khát vọng sâu sa của con người là được khen ngợi, được tôn trọng và được quan tâm.
Lời kết
“Học ăn học nói, học gói học mở”
Không phải tự nhiên mà ông bà ta lại đề cao sự quan trọng của việc ăn nói – giao tiếp. Nhiều sinh viên ngày nay vẫn rụt rè khi phát biểu trước đám đông, không dám nói lên quan điểm của mình, hay ngại ngùng, bối rối khi đứng trước nhà tuyển dụng. Lí do giải thích cho việc này không phải vì các bạn kém thông minh mà là do chưa tìm được phương pháp chính xác. Và cuốn sách này sẽ là một công cụ hữu ích trong việc cải thiện kĩ năng giao tiếp, từ đó cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày.
Trên đây chỉ là một phần rất nhỏ những bài học mà Dale mang lại qua Đắc nhân tâm. Nếu bạn có thể ứng dụng những bài học đó vào cuộc sống của chính mình thì bạn sẽ thấy cuộc sống thay đổi rất nhiều.
Và để áp dụng thành công, chắc chắn bạn sẽ mất nhiều thời gian nhưng đừng nản, hãy kiên trì nhé !