Posts

[Review sách] “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” – Phạm Lữ Ân

Đôi khi giữa bộn bề cuộc sống, chúng ta không nhận ra bản thân đã lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức,… vào những điều vô bổ. Cũng có lúc ta vội vàng chạy đua cùng thời gian mà quên đi cảm nhận những thay đổi, những điều thú vị, hạnh phúc xung quanh mình. Ở một thời điểm nào đó lại vì sự nghiệp mà không quan tâm đến việc dành thời gian cho bản thân, gia đình, bạn bè.

Tuy nhiên, giữa guồng quay ấy, “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân giống như một nốt “lặng”, một nút “pause” giữa những xô bồ của cuộc sống để ta suy nghĩ thêm về đời ta, để ta cảm nhận mọi thứ nhiều hơn, sống trọn vẹn hơn và thấy cuộc đời này thật ý nghĩa.

Với tác phẩm này, vợ chồng Phạm Lữ Ân đã giúp bạn đọc trả lời câu hỏi: ” Nên sống ra sao giữa đời người hữu hạn?” – một chủ đề không mới nhưng tạo nên sức hút lớn – nhất là với những người trẻ đang ráo riết chuẩn bị hành trang bước vào đời. Đây cũng là một trong những cuốn sách “best-seller” và đã được tái bản đến lần thứ 20. Vì vậy, hãy cùng LSC giải mã xem nó ẩn chứa những thông điệp thú vị gì nhé!

1. Sự hữu hạn của cảm xúc 

Cảm xúc là gì? Người ta nói cảm xúc là thứ có khả năng chi phối con người, con người không thể sống mà thiếu cảm xúc. Vậy bạn có biết không – Cảm xúc của chúng ta là hữu hạn?

 “Bạn có nhận ra không. Cảm xúc của chúng ta là thứ hữu hạn. Và khi đến tột cùng của một cảm xúc, nó phải đổi sang một trạng thái khác. Hỷ nộ ái ố đều như vậy cả.”

Bất cứ trạng thái cảm xúc nào của chúng ta cũng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định rồi sẽ chuyển qua trạng thái khác. Ta không thể cứ mãi buồn, cứ mãi vui hay cứ mãi chán nản ủ dột,… Như Phạm Lữ Ân đề cập trong sách: các cảm xúc xoay vòng với bất cứ ai: hết ghét đến yêu, hết giận đến thương, hết vui đến buồn hay qua thất vọng là hy vọng,… Và nếu sống thành thật, chúng ta sẽ như một con tắc kè hoa, đổi màu da theo cảm xúc của mình.

“Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi.”

Thích một bài hát, một bộ phim hay một món ăn,… đôi khi chỉ là sự yêu thích tức thời, nó có thể sẽ thay đổi. Sau này, khi môi trường ngày càng phát triển – bạn – biết đâu lại tìm ra những điều hay ho hơn và dần lãng quên chúng. Tình cảm cũng vậy, tình bạn hay tình yêu rồi cũng sẽ có lúc dần dần nhạt phai nếu bạn không tìm cách “hâm nóng” lại cho cảm xúc mặn nồng như những ngày đầu. Hay nhiệt huyết trong công việc cuộc sống rồi cũng sẽ dần dần mất đi nếu bạn cứ mãi duy trì theo lối cũ. Ví như, một người quyết định rời bỏ công việc hiện tại, vị trí đã mang đến mức lương cùng những biệt đãi khiến không ít người mơ ước lý do đơn giản là vì : “Cảm xúc đã cạn. Và cần phải thay đổi!”.

  “Và khi là con người, chúng ta phải trải qua những biến cố mà sau đó, ta cần có thời gian để ngẫm nghĩ, đối diện với chính mình, nạp lại năng lượng, thay đổi cảm xúc, trau dồi trải nghiệm của bản thân. 

Vậy nên, nếu bạn muốn giữ cảm xúc thì phải nuôi dưỡng nó và cần phải thay đổi khi chúng đã tới hạn.  Có rất nhiều cách để làm mới như là cắt một kiểu tóc mới, đọc một cuốn sách truyền cảm hứng, sống ở môi trường khác hay thử sức với một công việc mới,… Điều quan trọng hơn cả là ta luôn chủ động thay đổi khi cảm xúc đã tới hạn và không để chúng chi phối mình theo hướng tiêu cực quá lâu!

 2. Đời người này là hữu hạn!

Thời gian là vô giá, là thứ mà chẳng một ai trong chúng ta có thể mua được hay giữ lấy cho riêng mình nhưng cuộc đời của con người lại là hữu hạn. Con người đều phải tuân theo quy luật cuộc đời, bất cứ ai cũng được sinh ra rồi lớn lên, trải qua tuổi trẻ, sau đó bắt đầu già đi và cuối cùng kết thúc cuộc hành trình của mình. 

Cảm thức được cuộc sống là chuỗi ngày hữu hạn nên trong cuốn sách này Phạm Lữ Ân muốn chúng ta hãy chắt chiu từng phút giây một, sống trọn với tuổi trẻ và cuộc đời. Lời nhắn này được hòa trong những mẩu truyện nhỏ về tình yêu, con người và tuổi trẻ.

“Ồ, cuộc đời này cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài, quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở…
Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu”

Vậy bạn đã sống thật sâu, sống hết mình hay chưa? Đó là tìm ra ước mơ, đam mê cháy bỏng nhất của mình và theo đuổi ước mơ đó. Hãy bắt tay vẽ giấc mơ đó ngay hôm nay, giống như anh thợ xây dù “nghèo rớt” nhưng vẫn nuôi giấc mơ vào Nhạc viện. Bởi “người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi,  mà là người không có lấy một ước mơ”. Nếu e dè, lo sợ, ta chẳng thể nào tiếp cận được nó.

Hay bạn đã thực sự biết hưởng thụ cuộc sống để luôn thấy mình đã sống thật sâu?

“Bạn có nhận ra chăng, rằng phần lớn thời gian chúng ta chỉ trải qua, mà không thực sự tận hưởng. Một buổi chiều, một giấc ngủ, một bữa ăn, một món đồ, một kỳ nghỉ, một tình bạn, một tình yêu…Và rốt cuộc, cả một cuộc đời.”

Như Phạm Lữ Ân kể, mọi người đến hội hoa xuân ở Tao Đàn để ngắm hoa nhưng họ lại đến vào buổi chiều tối, và tác giả nhận ra rằng không thể tận hưởng vẻ đẹp của hoa vào thời điểm đó. Nắng đã tắt, đèn vừa lên. Đó là thời điểm rất tệ để thực sự ngắm hoa. Nhưng chúng ta vẫn đi loanh quanh, chúng ta ngó nghiêng đây đó, chúng ta trầm trồ bình phẩm, chúng ta chen nhau chụp ảnh. Rồi chúng ta ra về và tưởng mình đã được ngắm hoa. Đó chính là trải qua mà không thực sự tận hưởng. 

Vì vậy, thay vì lãng phí thời gian để nhìn lại rồi phải hối tiếc thì ta có thể thoải mái cảm nhận cuộc đời với từng thời cơ mà nó mang đến mỗi ngày. Tuy nhiên, sống trọn từng giây không có nghĩa là sống gấp, sống vội và rơi vào guồng quay hối hả ngoài kia. Hãy luôn trân trọng những gì mình có, những mối quan hệ, những người ở bên, những sự vật, tài sản xung quanh và sống hết mình bạn nhé!

3. Ta làm chi giữa cuộc đời hữu hạn 

Ta vẫn thường nghe người này khuyên sống tích cực, người kia nói phải lạc quan. Điều đó phần lớn trong chúng ta đều nhận thức nhưng không phải ai cũng ý thức được. Điều thú vị là “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” lại khiến cho người đọc cảm nhận được rõ triết lý sống  này.

“Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về những điều mà bạn muốn vẽ, nếu bạn dự tính càng nhiều màu sắc bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu bạn muốn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, không phải bạn.”

Vì cuộc sống này là chuỗi ngày hữu hạn và cảm xúc của ta cũng có giới hạn nên ta phải xác định bản thân sẽ sống như thế nào: Ta muốn làm gì? Ta muốn sống ra sao? Ta muốn trở thành ai trong cuộc đời này? Ta muốn làm chi đời ta?

Đó là tối ưu hóa thời gian của bản thân. Chúng ta, dù bất cứ địa vị nào cũng đều giống như nhau có trọn vẹn 24h trong một ngày. Nhưng ai biết gìn giữ, đón nhận và trân trọng nó, thì sẽ làm được nhiều điều có ý nghĩa hơn. Còn những người dành quá nhiều thời gian vào việc vô bổ sẽ để thời gian trôi đi một cách vô nghĩa.

Đó cũng là trở thành chỗ dựa cho chính mình.  Bởi có những lúc không ai tin ta ngoài bản thân ta. Không ai an ủi ta và không ai vực ta dậy ngoài chính bản thân mình. Và khi đó ta cũng có thể trở thành chỗ dựa cho người thân, gia đình và những người ta yêu quý,…  

Vậy nên, hãy sống hết mình, luôn là chính mình, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước và yêu thương những người mình yêu. 

Lời kết 

Bạn đã thực sự trân trọng thời gian của bản thân chưa? Chúng ta, những bạn trẻ, là những sinh viên tràn đầy năng lượng và có quãng thời gian dài phía trước. Nếu tôi – bạn không tự nhận thức đúng về thời gian thì quãng đời ý nghĩa nhất này sẽ trôi qua nhanh mà không để lại chút dấu ấn. Vậy, thay vì sử dụng quá nhiều thời gian vào Facebook, Instagram hay Tiktok thì hãy dùng nó để tìm tòi và học thêm những kỹ năng, những lĩnh vực mới. Hay đơn giản là học tập chăm chỉ hơn thay vì chờ  ” nước đến chân mới nhảy”,… luôn cố gắng, tự tin là chính mình, không ngừng hoàn thiện bản thân và sống vì cuộc đời và tương lai của mình bạn nhé!

[REVIEW SÁCH] Đắc nhân tâm – Bậc thầy trong nghệ thuật giao tiếp

Đã bao giờ bạn từng tự hỏi mình rằng bản thân đã làm tốt trong ứng xử đời thường chưa? Bạn có hay gặp khó khăn trong giao tiếp không? Có bao giờ bạn bị bối rối không biết ứng xử sao khi gặp khách hàng khó tính? Hay bạn đang tìm kiếm phương pháp để cải thiện các mối quan hệ đang có?

Câu trả lời cho những thắc mắc trên đều nằm trong Đắc nhân tâm – cuốn sách đã luôn nằm trong top bán chạy nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất thời đại, là cuốn sách gối đầu giường của biết bao bạn trẻ các thế hệ.

“Đắc nhân tâm” ra đời như thế nào?

Dale Breckenridge Carnegie vốn là một nhà văn – nhà thuyết trình người Mỹ, là người phát triển các lớp tự giáo dục nói trước công chúng và các kỹ năng giao tiếp giữa mọi người. Để có thể viết thành công cuốn sách này, Dale đã phải bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu, tìm kiếm, khảo sát trên các đối tượng khác nhau. Ban đầu, nó chỉ là một bài học ngắn, nhưng tích lũy dần theo thời gian, cuốn sách đã dần hoàn thiện và trở thành một bài học chi tiết đầy đủ. Không chỉ vậy, Dale còn liên tục cập nhật và bổ sung kinh nghiệm của mình để cuốn sách “lớn” lên cùng thời gian

Trước khi cuốn sách bắt đầu, là lời khuyên của Dale nên đọc sách như thế nào cho hiệu quả. Đó là cách giúp bạn ghi nhớ và áp dụng dễ dàng nhất. Và bởi đây là cuốn sách của hành động nên bạn sẽ cảm thấy mình muốn vận động, mình muốn thay đổi ngay sau khi đọc cuốn sách.

Bạn học được điều gì từ “Đắc nhân tâm”?

1. Hãy mỉm cười để tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp


“Hầu hết con người đều hạnh phúc nếu họ có những suy nghĩ hạnh phúc” (Abe Lincoln)


Bạn có biết rằng nếu bạn mỉm cười với vợ của mình mỗi sáng và nói với cô ấy rằng bạn yêu cô nhiều thì cuộc sống hôn nhân của bạn sẽ hạnh phúc hơn không?

Hay chỉ cần một nụ cười thật tươi cũng có thể làm bừng sáng cả văn phòng cô đơn, lạnh lẽo, gắn kết mọi người trong công ty lại với nhau không?

Nụ cười là sứ giả thiện chí truyền đi những thông điệp không lời hơn bất cứ lời nói nào. Vì vậy, để hạnh phúc, để tạo ấn tượng tốt, hãy mỉm cười bạn nhé!

2. Không chỉ trích hay than phiền


Chỉ trích là vô bổ, nó chỉ gây ra thái độ chống đối và bào chữa”

Nếu bạn tiếp cận người khác bằng cách khuyên bảo hay khen ngợi họ thì kết quả sẽ tích cực hơn rất nhiều so với việc chỉ trích, lên án họ. Bởi bản chất con người không ai thích sự chỉ trích cả. Như một cơ chế tự bảo vệ, khi bị chỉ trích con người sẽ tìm mọi cách để bào chữa, biện minh cho mình thay vì nhận lỗi sai.

Một nhà tâm lý học nổi tiếng đã chỉ ra “Nỗi sợ bị lên án của con người cũng lớn như việc khao khát được tán thưởng”. Chính vì vậy, thay vì chỉ trích người khác, hãy nhẹ nhàng khuyên bảo để họ có thể hiểu ra vấn đề của mình.

3. Thành thật quan tâm đến người khác


Trong một cuộc khảo sát xem từ nào được dùng nhiều nhất trong các cuộc điện thoại, đại từ nhân xưng “tôi” xuất hiện nhiều nhất.

Tại sao vậy? Bởi bản thân con người có thói quen đặt bản thân mình lên trên hết. Đứng trước vấn đề gì đó, ai cũng sẽ suy nghĩ về lợi ích của mình đầu tiên.

Nhưng bạn biết không “Ai không quan tâm đến đồng loại sẽ gặp những khó khăn lớn nhất trong đời và sẽ gây ra những tổn hại lớn nhất cho người khác, và sau đó đến chính họ.”(Alfred Adler)

Để thành công, bất cứ ai trong lĩnh vực nào cũng cần quan tâm đến mọi người xung quanh. Đặc biệt là trong cách đối nhân xử thế.


4. Nếu mắc sai lầm, hãy dũng cảm thừa nhận và sửa chữa


Chúng ta ai cũng sẽ mắc sai lầm. Bất kể khi nào bạn mắc sai lầm và người khác chuẩn bị chỉ trích bạn, hãy thừa nhận lỗi sai đó thật nhanh chóng và rõ ràng
Dũng cảm nhận lỗi sai không chỉ khiến người khác đánh giá bạn cao hơn, đem lại cho bạn sự dễ chịu mà còn giúp bạn dễ dàng làm chủ câu chuyện và hướng người khác theo ý muốn riêng của bạn

5. Trước khi phê bình, hãy khen ngợi

Khen ngợi trước khi góp ý cũng giống như nha sĩ bắt đầu công việc bằng thuốc tê. Nó sẽ giúp bệnh nhân khỏi đau đớn khi bị nhổ răng

Nếu bạn bắt đầu câu chuyện bằng lời khen ngợi chân thành thì người đối diện sẽ cảm thấy thoải mái, dễ dàng chấp nhận sự phê bình của bạn hơn và họ sẽ vui vẻ tự động bù đắp vào những thiếu sót đó của bản thân. Bởi khát vọng sâu sa của con người là được khen ngợi, được tôn trọng và được quan tâm.

Lời kết


“Học ăn học nói, học gói học mở”
Không phải tự nhiên mà ông bà ta lại đề cao sự quan trọng của việc ăn nói – giao tiếp. Nhiều sinh viên ngày nay vẫn rụt rè khi phát biểu trước đám đông, không dám nói lên quan điểm của mình, hay ngại ngùng, bối rối khi đứng trước nhà tuyển dụng. Lí do giải thích cho việc này không phải vì các bạn kém thông minh mà là do chưa tìm được phương pháp chính xác. Và cuốn sách này sẽ là một công cụ hữu ích trong việc cải thiện kĩ năng giao tiếp, từ đó cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày.

Trên đây chỉ là một phần rất nhỏ những bài học mà Dale mang lại qua Đắc nhân tâm. Nếu bạn có thể ứng dụng những bài học đó vào cuộc sống của chính mình thì bạn sẽ thấy cuộc sống thay đổi rất nhiều.

Và để áp dụng thành công, chắc chắn bạn sẽ mất nhiều thời gian nhưng đừng nản, hãy kiên trì nhé !

Review sách: Trên đường băng – Tony Buổi sáng

Trên đường băng: Đánh thức đam mê trong giới trẻ

Người trẻ bây giờ đừng có ngại lăn xả, hãy mong muốn có một người bóc lột mình đi, có như vậy, mình mới trưởng thành và bộc lộ hết khả năng của mình được


Người trẻ bây giờ đừng có ngại lăn xả, hãy mong muốn có một người bóc lột mình đi, có như vậy, mình mới trưởng thành và bộc lộ hết khả năng của mình được

Đó là một trong nhiều câu nói truyền cảm hứng trích trong cuốn sách “Trên đường băng” – Một cuốn sách đặc biệt đến từ một tác giả đặc biệt.

‘Trên đường băng” là cuốn sách thứ 2 của Tony Buổi sáng sau cuốn đầu tiên là “Cafe cùng Tony”. Ngay sau khi xuất bản, Trên đường băng đã nhanh chóng sold-out, trở thành quyển sách gối đầu giường của nhiều bạn trẻ. 12 lần tái bản, 200,000 được bán ra đều là những con số ấn tượng của cuốn sách đặc biệt này.

Vậy điều gì tạo nên sự thành công cho cuốn sách này?

Tony Buổi Sáng- Tác giả ẩn danh gây tò mò

Không ai biết chính xác Tony Buổi Sáng là ai.

Tác giả tự xưng mình là Tony Tèo, làm nghề bán phân của hãng Phượng Tím nào đó, một nhân vật ẩn danh, hoặc có thể đó là một nhóm admin có chung bút danh Tony. Mặc dù, có nhiều người tự nhận đã gặp Tony bằng xương thịt nhưng nhân vật này có tồn tại hay không vẫn còn là một ẩn số.

Những câu chuyện “thật” rất riêng của Tony

Ngay trong “Lời nói đầu”, tác giả đã khẳng định các câu chuyện trong cuốn sách của mình đều được hư cấu. Thế nhưng, với lối kể gần gũi, dễ hiểu, có chút dí dỏm, tác giả đã khiến không ít bạn đọc tin là thật.

Trên đường băng và những điểm nhấn thú vị

Cuốn sách này dành cho ai?

Được lựa chọn nội dung bài viết cẩn thận hơn nên đối tượng sách hướng đến và thông điệp truyền tải được xác định rõ ràng hơn. Đối tượng chính là các bạn trẻ và quyển sách chính là cuốn cẩm nang cho bạn trẻ vào đời, là những cái hay cái đẹp cái văn minh mà các bạn nên có để phát triển bản thân.

Cuốn sách này có gì?

Nếu ví hành trình vào đời của các bạn trẻ như một chuyến bay thì hành trình đó phải trải qua 3 giai đoạn “Chuẩn bị – Ra sân bay – Cất cánh” tương ứng với ba phần của cuốn sách: “Chuẩn bị hành trang”,”Trong phòng chờ sân bay” và “Lên máy bay”.

→ Phần 1: “Chuẩn bị hành trang” – Phần 1 giống như phần chuẩn bị của chuyến bay với nhiều bài viết thú vị như Chuyện thằng Quân, Chuyện thằng Kiên, Chuyện củi trấu, …. Nếu chỉ dừng lại ở việc đọc tiêu đề thì người đọc chắc chắn sẽ bất ngờ vì không thể đoán được nội dung cụ thể của bài viết đang hướng tới cái gì, nhằm mục đích nào. Chính điều đó sẽ kích thích sự tò mò của độc giả, khuyến khích họ mở trang sách, đọc và nghiền ngẫm ý nghĩa ẩn sâu. Có thể lấy ví dụ Chuyện của thằng Quân. Tác giả kể chi tiết về cuộc đời của một vị trưởng phòng trẻ tuổi tài năng và bất ngờ đưa người đọc đến câu hỏi:  Thế rốt cuộc the mission of life của bạn là gì? Người đọc chắc hẳn sẽ không khỏi bất ngờ và sẽ có những suy ngẫm khi đọc xong những dòng cuối cùng của bài viết. Qua mỗi câu chuyện, bạn sẽ có cảm giác như tác giả đang nói về mình, là bệnh nghiện internet, là bệnh lười, là làm việc mà không có mục đích hay quyết tâm,….. Tất cả điểm xấu đó đều được khéo léo lồng trong các câu chuyện để tự bạn đọc nhận ra và phải cố gắng học hỏi để thay đổi, để sống đẹp hơn mỗi ngày.

→ Phần 2: “Trong phòng chờ sân bay” – Các bài viết trong phần này tiếp tục chia sẻ về chủ nghĩa cá nhân, cách đối nhân xử thế mà các bạn trẻ nên xây dựng cho bản thân. Đó là bài học về cách ứng xử với mọi người xung quanh, người mới quen, khi làm việc hay bên ngoài công ty, là chia sẻ về sự thích ứng với các môi trường khác nhau, là thói quen tốt nên tự tạo cho bản thân, thói xấu nên bỏ.

→ Phần 3: “Lên máy bay” – Nếu hai phần đầu bạn trẻ nào cũng nên đọc và nghiền ngẫm thì phần thứ 3 này được tác giả ưu ái dành cho các bạn có ý định muốn start-up.Mỗi bài viết là một bài học trong kinh doanh, trong cuộc sống mà các bạn cần chú ý như quan điểm về tiền của các bạn trẻ trong ‘Cách đo lòng người’, cách chi tiêu tiết kiệm sao để có vốn khởi nghiệp trong ‘Trên đường băng’, là lời nhắn nhủ từ dượng đến bạn đọc trẻ qua ‘Các bạn trẻ hãy đọc dù chỉ một lần’, … Tất cả đều được gói gọn trong phần 3 này.

Một cuốn sách hay không phải là cuốn sách được review tốt hay một cuốn best-seller ở đâu đó mà là bản thân người đọc cảm nhận được sự tâm huyết, thành ý của tác giả gửi gắm qua cuốn sách. Đừng coi việc đọc là bắt buộc, hãy đọc khi bản thân thoải mái nhất, vừa đọc vừa suy ngẫm cái triết lý đằng sau những câu chữ đó, bạn nhé!