Posts

HỌC CÁCH NÓI “KHÔNG”

Đã bao nhiêu lần bạn dám nói “Không” trước những lời đề nghị nhờ vả của người khác? Liệu bạn có từng sợ rằng sau khi từ chối đối phương sẽ cảm thấy thất vọng? 

Luôn luôn đồng ý với mọi thứ hay tự gắn mình với những trách nhiệm không cần thiết sẽ khiến chúng ta dần trở nên mệt mỏi. Thế nên, biết từ chối đúng lúc là điều thực sự rất quan trọng.

Vậy, làm sao để nói “Không” một cách khéo léo và phù hợp nhất? Hãy cùng LSC tìm ra câu trả lời thích đáng nhé!

Vì sao chúng ta khó nói không?

Hiển nhiên việc đồng ý lúc nào cũng dễ dàng hơn từ chối. Ta cảm thấy chưa đủ thoải mái để nói “Không” vì sợ cảm xúc tội lỗi sẽ áp đảo tất cả. Ngoài ra, chẳng phải ai cũng đủ dũng cảm để đối mặt với sự phản ứng giận dữ hay thất vọng của người khác. Đôi khi, chúng ta sợ rằng lời từ chối sẽ làm xấu đi các mối quan hệ đã xây dựng từ lâu.

Một lý do khác khiến không ít người nói “Có” là bởi họ sợ bỏ lỡ cơ hội để thăng tiến, thể hiện bản thân. Tuy nhiên, nếu như ồm đồm quá nhiều việc cùng một lúc, rất có thể chúng ta sẽ bị phân tán, khó mà hoàn thành công việc một cách tốt nhất được.

Tại sao cần phải nói “Không”?

Một trong những lợi ích của việc từ chối đúng lúc chính là có được sự tin cậy. Nguyên nhân là bởi, nếu nhanh chóng đồng ý với những yêu cầu không thể hoàn thành, đối phương sẽ dễ dàng mất niềm tin ở chúng ta. Hãy thật chắc chắn rằng quyết định đó nằm trong khả năng của mình để có thể thực hiện tốt và nhận được sự tín nhiệm bạn nhé! 

Nói “Không” còn cho phép bạn có thời gian làm những việc khác quan trọng hơn.  Bởi nếu cứ mải mê chạy theo cuộc sống bên ngoài thì rất có thể khiến ta quên đi những mối quan tâm khác của riêng mình. Biết từ chối đúng lúc để chú tâm vào làm điều cần thiết không chỉ giúp tiết kiệm thời giờ mà còn tạo ra hiệu quả cao khi thực hiện.

Vậy làm thế nào để học cách nói “Không” hiệu quả?

1. Đặt ra câu hỏi cụ thể 

Trước khi bắt đầu đồng ý với bất kỳ lời đề nghị nào, ta nên tự hỏi: “Việc này có nằm trong khả năng của bản thân?”, “Đối phương có xứng đáng để mình giúp đỡ?” hay “Chúng ta có đang bị lợi dụng?”. Việc này thực sự rất cần thiết bởi lẽ nó giúp mọi người xem xét sự việc một cách tổng thể, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn và tránh được các rủi ro không đáng có.

2. Lắng nghe bản thân muốn gì?

Bạn biết đấy, làm việc với sự hứng thú sẽ hiệu quả hơn nhiều so với ép buộc hay miễn cưỡng. Hãy lựa chọn bởi mình thật sự muốn mà không phải vì nghĩa vụ nào cả. Ví dụ đơn giản như: nếu nhận được lời rủ rê đi xem phim từ hội bạn thân chí cốt, trong khi cơ thể bạn đang rất mệt mỏi và có dấu hiệu cảm cúm. Liệu bạn sẽ đưa ra quyết định như thế nào? Một lời từ chối nên được đưa ra bởi bạn sẽ khó lòng tận hưởng cuộc chơi với thể trạng khi ấy của mình. Hãy lắng nghe bản thân thực sự cần gì và dành cho nó sự quan tâm bạn nhé!

3. Từ chối đúng cách và khéo léo

“Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Một khi chúng ta không thể làm việc gì cho ai đó, hãy thẳng thắn từ chối và nói rõ tại sao một cách hợp lí và tế nhị nhất. Chúng ta không nên vòng vo hay đưa ra những lời hứa suông để người đề nghị có thể nhanh chóng tìm phương án khác. Tuy nhiên, cũng cần khéo léo trong cách sử dụng ngôn từ và biểu hiện thái độ. Ngoài ra, nếu đưa thêm được lời khuyên hay gợi ý thay thế cho người nhờ vả sẽ là một điểm cộng lớn. Việc này không chỉ giúp họ biết được ta đã thực sự xem xét vấn đề đó mà còn thể hiện sự quan tâm và thành thật ở mỗi người. 

Lời kết

Việc nói “Không” đúng lúc rất cần thiết như một sự tôn trọng bản thân và cả đối phương. Vậy nên, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi bắt đầu đồng ý làm một việc gì  bạn nhé!