SINH VIÊN NĂM NHẤT CÓ NÊN ĐI LÀM THÊM?
Bước chân vào cánh cửa đại học là mở ra một cuộc sống mới, ắt hẳn nhiều sinh viên còn đôi chút bỡ ngỡ và chưa quen với việc tự quản lý bản thân mà đặc biệt là chi tiêu. Đó là lý do mà nhiều người mong muốn có được một công việc làm thêm để có thể phần nào tự chủ hơn về tài chính. Vì vậy, hãy cùng LSC khám phá ngay vấn đề này để chúng ta có cái nhìn rõ hơn trước khi quyết định có nên đi làm thêm không nhé!
Điều gì thôi thúc các bạn đi làm thêm?
Thời gian rảnh cộng với đó là mong muốn có thêm thu nhập, mong muốn khám phá và thử sức mình đôi khi thôi thúc chúng ta tìm kiếm một công việc part-time. Nếu đơn thuần là để có thêm tiền để chi tiêu thoải mái hơn thì chúng ta có thể lựa chọn các việc đơn giản như gia sư, nhân viên order hay shipper. Sở dĩ gia sư rất được ưa chuộng với sinh viên là bởi các bạn dễ dàng tận dụng được kiến thức từ 12 năm đèn sách, vừa có thu nhập khá lại cải thiện khả năng giao tiếp.

Còn nếu mục đích đi làm của bạn là để lấy thêm kinh nghiệm thì các vị trí như sales, marketing hay tư vấn khách hàng sẽ phù hợp hơn cả. Đặc biệt, khi chúng ta có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đấy và có nguyện vọng đi làm để thỏa mãn đam mê. Bạn có thể dành thời gian rảnh của mình để làm content cho các page nếu bạn là người thích viết lách, có thể design ấn phẩm nếu bạn là con người ưa sáng tạo và cũng có thể nhận dịch thuật nếu giỏi ngoại ngữ.
Hai mặt của việc làm thêm
Bất kỳ vấn đề nào thì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Đối với việc đi làm thêm cũng vậy! Cái lợi đầu tiên dễ dàng thấy được là sự trải nghiệm bản thân ở một vị trí mới mẻ. Bạn sẽ có cơ hội cải thiện kỹ năng làm việc, khả năng teamwork cũng như cách giao tiếp với mọi người xung quanh. Có lẽ đây chính là lý do chủ yếu khiến nhiều sinh viên hiện nay quyết định ứng tuyển vào một công ty, tổ chức nào đó ngoài trường học.
Bên cạnh đó, việc đi làm sẽ giúp chúng ta có thêm những khoản thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Thực tế đã chỉ ra rằng những bạn chăm chỉ, biết cách tiết kiệm và đầu tư hiệu quả còn có thể tự lập về kinh tế, đỡ một phần gánh nặng không nhỏ cho bố mẹ. Hơn thế nữa, chúng ta sẽ có thêm những mối quan hệ mới và rất nhiều bài học thực tế ngoài cuộc sống mà nhà trường không thể cho bạn được.

Nhưng ngược lại với đó sẽ là những cái hại không phải ai cũng thấy được, mà đáng lo ngại nhất phải kể đến là lừa đảo. Có thể bây giờ không còn là thời của đa cấp nữa nhưng tỉ lệ sinh viên năm nhất đi làm thêm bị lừa cũng rất cao. Lý do chủ yếu là vì các bạn chưa tìm hiểu kỹ thông tin, chạy theo đám đông hay chưa có nhiều va chạm ngoài cuộc sống.
Một điều khó tránh khỏi với rất nhiều bạn có công việc part-time chính là bị xao nhãng học hành dẫn đến kết quả thi kém và tụt dốc. Thời gian là hữu hạn nên nếu bạn không biết phân bổ hợp lý giữa việc đi làm, chạy deadline ở công ty với việc học ở trên lớp thì tình trạng này rất có thể xảy ra. Điều còn lại mà nhiều người thường chủ quan, đó là dễ hư hỏng, dễ bị dính vào những tệ nạn xã hội nếu không cẩn thận. Đa số môi trường làm việc là nơi ít nhiều có sự đấu đá nhau và đôi khi bạn sẽ bị stress và lạc lõng giữa những áp lực đó.
Lời khuyên nào cho sinh viên năm nhất?
Điều mấu chốt cho câu hỏi “Sinh viên năm nhất có nên đi làm thêm hay không?” nằm ở chỗ bạn phải xác định rõ tầm quan trọng của việc học và việc đi làm. Nếu bạn là người đang quản lý tốt được việc học, muốn tích lũy thêm kinh nghiệm trong khoảng thời gian rảnh rỗi thì bạn nên đi làm và hãy tham khảo những công việc có chọn lọc như đã nêu ở trên.

Còn những bạn chưa muốn đi làm thêm cũng đừng quá lo vì sợ thiếu kinh nghiệm, bởi công việc chính của chúng ta vẫn là học. Bố mẹ trả tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền học phí cho chúng ta thì hãy coi như đó là một khoản đầu tư dài hạn. Vì vậy, hãy biến khoản đầu tư này sinh lời bằng cách học thật giỏi, nghiên cứu chuyên ngành thật sâu để khi ra trường bạn có thể vững vàng với chuyên môn của mình. Khi ấy, một công việc ổn định với mức lương xứng đáng sẽ nằm chắc trong tay bạn.
Lời kết
Bài viết mang tính chất tham khảo, định hướng cho những sinh viên năm nhất vừa bước chân vào cánh cổng đại học. Việc bạn có quyết định đi làm thêm hay không còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như gia đình, bạn bè hay khả năng của bản thân. Vậy nên, hãy suy nghĩ thật thấu đáo trước khi lựa chọn nhé!