Đã bao nhiêu lần bạn dám nói “Không” trước những lời đề nghị nhờ vả của người khác? Liệu bạn có từng sợ rằng sau khi từ chối đối phương sẽ cảm thấy thất vọng?
Luôn luôn đồng ý với mọi thứ hay tự gắn mình với những trách nhiệm không cần thiết sẽ khiến chúng ta dần trở nên mệt mỏi. Thế nên, biết từ chối đúng lúc là điều thực sự rất quan trọng.
Vậy, làm sao để nói “Không” một cách khéo léo và phù hợp nhất? Hãy cùng LSC tìm ra câu trả lời thích đáng nhé!
Vì sao chúng ta khó nói không?
Hiển nhiên việc đồng ý lúc nào cũng dễ dàng hơn từ chối. Ta cảm thấy chưa đủ thoải mái để nói “Không” vì sợ cảm xúc tội lỗi sẽ áp đảo tất cả. Ngoài ra, chẳng phải ai cũng đủ dũng cảm để đối mặt với sự phản ứng giận dữ hay thất vọng của người khác. Đôi khi, chúng ta sợ rằng lời từ chối sẽ làm xấu đi các mối quan hệ đã xây dựng từ lâu.
Một lý do khác khiến không ít người nói “Có” là bởi họ sợ bỏ lỡ cơ hội để thăng tiến, thể hiện bản thân. Tuy nhiên, nếu như ồm đồm quá nhiều việc cùng một lúc, rất có thể chúng ta sẽ bị phân tán, khó mà hoàn thành công việc một cách tốt nhất được.
Tại sao cần phải nói “Không”?
Một trong những lợi ích của việc từ chối đúng lúc chính là có được sự tin cậy. Nguyên nhân là bởi, nếu nhanh chóng đồng ý với những yêu cầu không thể hoàn thành, đối phương sẽ dễ dàng mất niềm tin ở chúng ta. Hãy thật chắc chắn rằng quyết định đó nằm trong khả năng của mình để có thể thực hiện tốt và nhận được sự tín nhiệm bạn nhé!
Nói “Không” còn cho phép bạn có thời gian làm những việc khác quan trọng hơn. Bởi nếu cứ mải mê chạy theo cuộc sống bên ngoài thì rất có thể khiến ta quên đi những mối quan tâm khác của riêng mình. Biết từ chối đúng lúc để chú tâm vào làm điều cần thiết không chỉ giúp tiết kiệm thời giờ mà còn tạo ra hiệu quả cao khi thực hiện.
Vậy làm thế nào để học cách nói “Không” hiệu quả?
1. Đặt ra câu hỏi cụ thể
Trước khi bắt đầu đồng ý với bất kỳ lời đề nghị nào, ta nên tự hỏi: “Việc này có nằm trong khả năng của bản thân?”, “Đối phương có xứng đáng để mình giúp đỡ?” hay “Chúng ta có đang bị lợi dụng?”. Việc này thực sự rất cần thiết bởi lẽ nó giúp mọi người xem xét sự việc một cách tổng thể, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn và tránh được các rủi ro không đáng có.
2. Lắng nghe bản thân muốn gì?
Bạn biết đấy, làm việc với sự hứng thú sẽ hiệu quả hơn nhiều so với ép buộc hay miễn cưỡng. Hãy lựa chọn bởi mình thật sự muốn mà không phải vì nghĩa vụ nào cả. Ví dụ đơn giản như: nếu nhận được lời rủ rê đi xem phim từ hội bạn thân chí cốt, trong khi cơ thể bạn đang rất mệt mỏi và có dấu hiệu cảm cúm. Liệu bạn sẽ đưa ra quyết định như thế nào? Một lời từ chối nên được đưa ra bởi bạn sẽ khó lòng tận hưởng cuộc chơi với thể trạng khi ấy của mình. Hãy lắng nghe bản thân thực sự cần gì và dành cho nó sự quan tâm bạn nhé!
3. Từ chối đúng cách và khéo léo
“Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Một khi chúng ta không thể làm việc gì cho ai đó, hãy thẳng thắn từ chối và nói rõ tại sao một cách hợp lí và tế nhị nhất. Chúng ta không nên vòng vo hay đưa ra những lời hứa suông để người đề nghị có thể nhanh chóng tìm phương án khác. Tuy nhiên, cũng cần khéo léo trong cách sử dụng ngôn từ và biểu hiện thái độ. Ngoài ra, nếu đưa thêm được lời khuyên hay gợi ý thay thế cho người nhờ vả sẽ là một điểm cộng lớn. Việc này không chỉ giúp họ biết được ta đã thực sự xem xét vấn đề đó mà còn thể hiện sự quan tâm và thành thật ở mỗi người.
Lời kết
Việc nói “Không” đúng lúc rất cần thiết như một sự tôn trọng bản thân và cả đối phương. Vậy nên, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi bắt đầu đồng ý làm một việc gì bạn nhé!
https://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2020/05/Học-cách-nói-không.png369706LSC gen12https://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2018/08/Transparent-HorizontalLogol-300x83.pngLSC gen122020-05-02 20:24:452020-05-15 21:35:42HỌC CÁCH NÓI “KHÔNG”
Chắc hẳn rằng có không ít người đều đã từng tự nhủ với bản thân ít nhất một lần như thế trong thời gian này. Kỳ nghỉ dài vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, đâu đó ngoài kia vẫn có những con người đang nỗ lực không ngừng nghỉ. Vậy thì tại sao chúng ta không tranh thủ để hoàn thiện bản thân?
Đừng để kỳ nghỉ trôi qua một cách vô nghĩa, đừng để bản thân phải hối tiếc mà hãy lên dây cót tinh thần ngay thôi. Nếu bạn thấy mình “hoang mang” chưa biết nên làm gì thì hãy tham khảo những gợi ý từ LSC nhé!
Một số việc làm có ích cho bản thân trong kỳ nghỉ
1. Dọn dẹp nhà cửa – cải thiện tinh thần
Đã gần 3 tháng kể từ ngày bắt đầu kì nghỉ, ngôi nhà và căn phòng của bạn liệu có còn tinh tươm như hôm mùng 1 Tết không? Chần chờ gì nữa mà không bắt tay vào dọn dẹp ngay thôi. Chúng ta vừa có thể sửa soạn lại mọi thứ, vừa tìm lại những kỷ niệm thú vị đã bỏ quên. Một căn phòng ngăn nắp gọn gàng cũng sẽ giúp tinh thần ta tốt hơn lên nhiều đấy!
“Một căn phòng thoáng đãng gọn gàng sẽ giúp tinh thần thoải mái và tích cực hơn.”
2. Thể dục thể thao – nâng cao đề kháng
Hãy bắt đầu với những thói quen tốt cho sức khỏe mà ta vẫn chưa thể thực hiện đàng hoàng suốt bao năm qua. Mỗi buổi sáng bước ra khỏi giường, hãy dành ra ít nhất 15 phút để tập thể dục, không cần quá phức tạp, chỉ đơn giản là những động tác vươn vai hít thở. Kiên trì mỗi ngày sẽ khiến nó biến thành thói quen lành mạnh.
3. Đọc sách – mở ra chân trời mới
Đọc sách cũng là một hoạt động bổ ích giúp bạn tiếp thu tri thức và phát triển bản thân. Hãy bắt đầu từ quyển “Nhà giả kim” chẳng hạn. Biết đâu sau khi đọc xong bạn lại thấy được hình ảnh mình trong đó và nảy sinh ra nhiều ý tưởng thú vị. Còn nếu không mua được sách trong thời gian này, chúng ta cũng có thể tìm đọc ebook trên mạng. Vậy ngại gì mà không nhân cơ hội này để tranh thủ thanh lọc tâm hồn và nâng cao tầm nhìn của bản thân nhỉ?
“Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới” – M.Gorki
4. Nấu nướng – cảm nhận cuộc sống bình dị
Học nấu ăn cũng là cách để ta quan tâm và chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Chúng ta có thể tìm công thức trên mạng, thử những món đang được giới trẻ ưa chuộng như Dalgona Coffee dạo gần đây chẳng hạn. Nhưng nếu không đủ tự tin với khả năng nấu nướng của mình, hãy bắt đầu từ việc phụ bếp, cũng khá là thú vị. Ngoài ra, việc tham gia vào các group như Ghét Bếp Nghiện Nhà, Lăn Vào Bếp hay Vụng Việc Bếp – Dở Việc Nhà biết đâu lại giúp ta thấy được sự đồng điệu của bản thân mình trong đó và có động lực hơn với chuyện bếp núc đấy!
Cách học tập và làm việc tại nhà hiệu quả
Ngoài những hoạt động thú vị và bổ ích, chúng ta cũng không nên lơ là việc học và việc làm. Hãy tranh thủ cơ hội này để học những thứ mà mình ấp ủ bấy lâu nhưng chưa có thời gian, và thực hiện một cách hiệu quả nhất theo những kinh nghiệm mà chúng mình đúc kết được nhé!
“Work from home” mùa dịch, hãy đưa bản thân vào khuôn khổ
1. Bố trí không gian học và làm hợp lý
Học và làm ở nhà đôi khi khiến chúng ta mất tập trung hơn là tại công sở. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp và bài trí cho mình một không gian thoải mái thì sẽ thật lý tưởng đấy! Hãy xếp bàn ở cách xa giường và trang trí nó thật ngăn nắp! Điều này sẽ giúp ta có cảm hứng làm việc, rạch ròi giữa làm và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi “work from home”, ta khó có thể tránh khỏi việc chia sẻ không gian với gia đình. Do đó hãy cố gắng học và làm ở một nơi riêng biệt tránh bị mất tập trung hay làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh bạn nhé!
2. Xây dựng timeline cụ thể
Chúng ta nên tạo cho mình một thói quen làm việc bình thường như trên giảng đường hay ở công ty. Vì vậy, việc đặt ra lịch trình làm việc và nghỉ ngơi là vô cùng cần thiết. Hãy dành cho mình một khoảng thời gian thư giãn vào buổi trưa. Việc này không chỉ giúp ta có thêm năng lượng cho công việc buổi chiều mà còn rất phù hợp với việc sinh hoạt chung trong gia đình. Nếu “work from home” mà không có giờ giấc khoa học thì nó sẽ làm mất đi thói quen ta đã gây dựng bấy lâu. Ngược lại, có kế hoạch làm việc chi tiết không chỉ giúp công việc nhanh chóng được giải quyết mà còn đem lại hiệu quả cao hơn đấy.
3. Rèn luyện khả năng tập trung
Chúng ta thường bị xao nhãng khi học và làm việc ở nhà. Điều đó khiến ta khó có thể hoàn thành mục tiêu một cách hiệu quả nhất được. Vậy nên, hãy tận dụng tốt thời gian bằng cách ngồi làm việc thật tập trung trong vòng 30 phút. Nửa tiếng sau đó mới cho phép bản thân nghỉ ngơi một chút, vươn vai, đi lại một chút hay pha một tách trà, rồi bắt đầu 30 phút làm việc tiếp theo. Bạn có thể sử dụng app Pomodoro trên điện thoại di động. Nó sẽ giúp bạn phân nhỏ các nhiệm vụ cần hoàn thành và chia thời gian thành nhiều “miếng” nhỏ. Cứ như vậy mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, bạn có thể nghỉ ngơi một lúc. Dần dần điều này sẽ trở thành thói quen, và khả năng tập trung của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều đấy!
Lời kết
Thời gian cách ly chính là lúc để ta lên dây cót tinh thần. Hãy tìm ra những cách phù hợp cho bản thân để linh hoạt và chủ động trong công việc trong mùa dịch bệnh khó khăn này. Tranh thủ trang bị cho bản thân nhiều kĩ năng để lúc trở lại guồng quay công việc, chúng ta không còn bỡ ngỡ mà thay vào đó là làm tốt hơn.
https://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2020/04/title1-2.png369705LSC gen12https://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2018/08/Transparent-HorizontalLogol-300x83.pngLSC gen122020-04-30 22:47:132020-05-06 21:21:13ĐỪNG ĐỂ KỲ NGHỈ TRÔI QUA VÔ NGHĨA
Bước chân vào cánh cửa đại học là mở ra một cuộc sống mới, ắt hẳn nhiều sinh viên còn đôi chút bỡ ngỡ và chưa quen với việc tự quản lý bản thân mà đặc biệt là chi tiêu. Đó là lý do mà nhiều người mong muốn có được một công việc làm thêm để có thể phần nào tự chủ hơn về tài chính. Vì vậy, hãy cùng LSC khám phá ngay vấn đề này để chúng ta có cái nhìn rõ hơn trước khi quyết định có nên đi làm thêm không nhé!
Điều gì thôi thúc các bạn đi làm thêm?
Thời gian rảnh cộng với đó là mong muốn có thêm thu nhập, mong muốn khám phá và thử sức mình đôi khi thôi thúc chúng ta tìm kiếm một công việc part-time. Nếu đơn thuần là để có thêm tiền để chi tiêu thoải mái hơn thì chúng ta có thể lựa chọn các việc đơn giản như gia sư, nhân viên order hay shipper. Sở dĩ gia sư rất được ưa chuộng với sinh viên là bởi các bạn dễ dàng tận dụng được kiến thức từ 12 năm đèn sách, vừa có thu nhập khá lại cải thiện khả năng giao tiếp.
Còn nếu mục đích đi làm của bạn là để lấy thêm kinh nghiệm thì các vị trí như sales, marketing hay tư vấn khách hàng sẽ phù hợp hơn cả. Đặc biệt, khi chúng ta có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đấy và có nguyện vọng đi làm để thỏa mãn đam mê. Bạn có thể dành thời gian rảnh của mình để làm content cho các page nếu bạn là người thích viết lách, có thể design ấn phẩm nếu bạn là con người ưa sáng tạo và cũng có thể nhận dịch thuật nếu giỏi ngoại ngữ.
Hai mặt của việc làm thêm
Bất kỳ vấn đề nào thì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Đối với việc đi làm thêm cũng vậy! Cái lợi đầu tiên dễ dàng thấy được là sự trải nghiệm bản thân ở một vị trí mới mẻ. Bạn sẽ có cơ hội cải thiện kỹ năng làm việc, khả năng teamwork cũng như cách giao tiếp với mọi người xung quanh. Có lẽ đây chính là lý do chủ yếu khiến nhiều sinh viên hiện nay quyết định ứng tuyển vào một công ty, tổ chức nào đó ngoài trường học.
Bên cạnh đó, việc đi làm sẽ giúp chúng ta có thêm những khoản thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Thực tế đã chỉ ra rằng những bạn chăm chỉ, biết cách tiết kiệm và đầu tư hiệu quả còn có thể tự lập về kinh tế, đỡ một phần gánh nặng không nhỏ cho bố mẹ. Hơn thế nữa, chúng ta sẽ có thêm những mối quan hệ mới và rất nhiều bài học thực tế ngoài cuộc sống mà nhà trường không thể cho bạn được.
Nhưng ngược lại với đó sẽ là những cái hại không phải ai cũng thấy được, mà đáng lo ngại nhất phải kể đến là lừa đảo. Có thể bây giờ không còn là thời của đa cấp nữa nhưng tỉ lệ sinh viên năm nhất đi làm thêm bị lừa cũng rất cao. Lý do chủ yếu là vì các bạn chưa tìm hiểu kỹ thông tin, chạy theo đám đông hay chưa có nhiều va chạm ngoài cuộc sống.
Một điều khó tránh khỏi với rất nhiều bạn có công việc part-time chính là bị xao nhãng học hành dẫn đến kết quả thi kém và tụt dốc. Thời gian là hữu hạn nên nếu bạn không biết phân bổ hợp lý giữa việc đi làm, chạy deadline ở công ty với việc học ở trên lớp thì tình trạng này rất có thể xảy ra. Điều còn lại mà nhiều người thường chủ quan, đó là dễ hư hỏng, dễ bị dính vào những tệ nạn xã hội nếu không cẩn thận. Đa số môi trường làm việc là nơi ít nhiều có sự đấu đá nhau và đôi khi bạn sẽ bị stress và lạc lõng giữa những áp lực đó.
Lời khuyên nào cho sinh viên năm nhất?
Điều mấu chốt cho câu hỏi “Sinh viên năm nhất có nên đi làm thêm hay không?” nằm ở chỗ bạn phải xác định rõ tầm quan trọng của việc học và việc đi làm. Nếu bạn là người đang quản lý tốt được việc học, muốn tích lũy thêm kinh nghiệm trong khoảng thời gian rảnh rỗi thì bạn nên đi làm và hãy tham khảo những công việc có chọn lọc như đã nêu ở trên.
Còn những bạn chưa muốn đi làm thêm cũng đừng quá lo vì sợ thiếu kinh nghiệm, bởi công việc chính của chúng ta vẫn là học. Bố mẹ trả tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền học phí cho chúng ta thì hãy coi như đó là một khoản đầu tư dài hạn. Vì vậy, hãy biến khoản đầu tư này sinh lời bằng cách học thật giỏi, nghiên cứu chuyên ngành thật sâu để khi ra trường bạn có thể vững vàng với chuyên môn của mình. Khi ấy, một công việc ổn định với mức lương xứng đáng sẽ nằm chắc trong tay bạn.
Lời kết
Bài viết mang tính chất tham khảo, định hướng cho những sinh viên năm nhất vừa bước chân vào cánh cổng đại học. Việc bạn có quyết định đi làm thêm hay không còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như gia đình, bạn bè hay khả năng của bản thân. Vậy nên, hãy suy nghĩ thật thấu đáo trước khi lựa chọn nhé!
https://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2020/03/bìa-ws-1-1.jpg6291200Bùi Thúy Hiềnhttps://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2018/08/Transparent-HorizontalLogol-300x83.pngBùi Thúy Hiền2020-03-09 16:51:002020-05-01 11:03:51SINH VIÊN NĂM NHẤT CÓ NÊN ĐI LÀM THÊM?
Bạn có quá nhiều mối bận tâm, từ công việc đến học tập và rất nhiều các mối quan hệ xung quanh khác, bạn luôn cảm thấy thật áp lực bởi sự “Thiếu thời gian”.
Tuy nhiên, những điều này hoàn toàn có thể giải quyết bằng những bí kíp quản lí thời gian một cách hoàn hảo của LSC. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu chúng nhé!
1. LUÔN HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC ĐÚNG THỜI HẠN
Một biểu hiện thường thấy ở rất nhiều người chưa thể sử dụng được toàn bộ thời gian mà mình đang có đó là sự dồn ép trong công việc, công việc này chưa hoàn thành nhưng công việc khác đã vội ập đến khiến chúng ta không kịp trở tay.
Để giải quyết được vấn đề này, trước tiên chúng ta cần tự hỏi chính mình: “Ta nên dành bao nhiêu thời gian cho nó?”. Sau đó, hãy tự lập cho mình một thời gian biểu với các công việc và giới hạn thời gian cụ thể, đồng thời hãy cố gắng hết sức nhằm đạt hoàn thành mục tiêu đề ra để thời gian không còn có thể làm khó bạn.
2. LUÔN ĐỂ CHO MÌNH NHỮNG “KHOẢNG TRỐNG”
Có đôi lúc, ta ôm đồm quá nhiều việc trong một khoảng thời gian ngắn và luôn đặt bản thân trong trạng thái vội vã bởi ta không hề có những khoảng thời gian trống giữa các nhiệm vụ. Mọi sự đến một lúc nào đó sẽ trở nên rối tung, đặc biệt là khi có sự cố xảy đến những ta không hề có khoảng thời gian dự phòng cần thiết để xử lí chúng.
Chính vì vậy, khi lên kế hoạch làm việc, đừng quên để lại cho mình những khoảng trống phù hợp nhằm phục vụ cho mục đích giải quyết các vấn đề phát sinh.
3. HÃY LOẠI BỎ KHOẢNG THỜI GIAN CHẾT
Như thế nào được gọi là “khoảng thời gian chết”? Đó là khoảng thời gian mà chúng ta dùng chưa đúng mục đích hay bỏ phí cho nó trôi đi qua mà không làm gì cả.
Xóa bỏ thời gian chết chính là một mấu chốt hết sức quan trọng giúp bạn quản lý thời gian của chính mình, hãy học cách nói “KHÔNG” thật dứt khoát, mỗi khi thấy mình còn rảnh rỗi thì hãy đọc một cuốn sách hay làm một vài công việc nho nhỏ, chắc chắn bạn sẽ thấy lượng công việc vơi đi dần dần và sẽ không còn phải dằn vặt bản thân bởi những giờ vô ích mà bạn bỏ phí trong cuộc đời.
4. HÃY KHÉO LÉO CHỌN NHÓM VIỆC CÓ LIÊN QUAN TỚI NHAU
Bạn luôn có hàng tá các công việc chờ giải quyết và không biết mình phải bắt đầu từ đâu, bạn tốn quá nhiều thời gian của mình để giải quyết từng công việc dù bạn biết rằng chúng có thể có điểm gì đó tương đồng. Do đó, thay vì thực hiện các nhiệm vụ khác nhau một cách riêng biệt, chúng ta cần biết phân chia các nhóm công việc có mối liên kết nhất định với nhau về thông tin, hay cách làm để trong khi giải quyết việc này ta hoàn toàn có thể giải quyết thêm được cả các việc khác nữa. Thật là tuyệt phải không nào?
5. KIỂM SOÁT ĐƯỢC NHỮNG YẾU TỐ KHIẾN BẠN XAO LÃNG
Con người chúng ta vẫn thường hay bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài trong rất nhiều hoàn cảnh, do đó nếu muốn tiết kiệm được thời gian thì ta phải thực sự kiểm soát được chúng.
Để thực hiện được điều này, chúng ta phải kiên quyết loại bỏ các yếu tố không liên quan đến công việc như mạng xã hội hay khoảng thời gian nói chuyện phiếm với bạn bè ra khỏi tâm trí mình, đồng thời hãy nâng cao sự tập trung của bản thân bằng cách nghe một bản nhạc baroque và bằng sự luyện tập hàng ngày.
6. LỜI KẾT
Nhìn chung, Để quản lý thời gian hiệu quả, bạn cần dành đủ thời gian để lập kế hoạch, luôn có những khoảng thời gian dự phòng sao cho hợp lí và điều quan trọng nhất là không bao giờ được để cho thời gian trôi đi một cách phí hoài.
Hãy thử áp dụng 5 bí kíp mà LSC đã chia sẻ và cũng đừng quên chia sẻ thêm những cách quản lí thời gian của riêng bạn nhé!
https://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2019/07/67206084_2897704750455261_5727002421478031360_n.jpg9652048Tâm Trần Thị Thanhhttps://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2018/08/Transparent-HorizontalLogol-300x83.pngTâm Trần Thị Thanh2019-07-26 20:55:162019-07-26 20:55:18CÁCH GIÚP BẠN QUẢN LÝ THỜI GIAN MỘT CÁCH HOÀN HẢO
KBất kì ai trong chúng ta đều có 24 giờ một ngày để học tập, làm việc và hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, trong khi một số cá nhân có thể thực hiện được một khối công việc cực kì lớn với những kết quả đấy ấn tượng thì vẫn còn rất nhiều người luôn cảm thấy áp lực và phải chạy đua với thời gian.
Điểm mấu chốt ở đây chính nằm ở sự sắp xếp công việc của mỗi cá nhân, không phải ai cũng biết cách sử dụng vốn thời gian hạn hẹp của mình một cách tối ưu nhất!
Hãy cùng LSC điểm qua 3 cách sắp xếp công việc một cách hiệu quả nhé!
1.Lên danh sách những việc phải làm
Trước hết, để có thể phân bố khoảng thời gian mà mình có sao cho hợp lí nhất thì bạn cần phải lập ra được một list các công việc cần phải hoàn thành cũng như deadline của chúng. Điều này sẽ giúp các bạn tránh được trường hợp “nước đến chân mới nhảy” và sẽ luôn ý thức được việc hoàn thành công việc trước thời hạn cho phép.
Trước hết, để có thể phân bố khoảng thời gian mà mình có sao cho hợp lí nhất thì bạn cần phải lập ra được một list các công việc cần phải hoàn thành cũng như deadline của chúng.
Về danh sách các công việc, bạn có thể sử dụng giấy, bút và tự vạch ra những đầu việc cần thiết. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của công nghệ, bạn có thể dùng các apps như: Trello, Asana, Wunderlist,…để tạo các bản ghi điện tử. Thêm một tips nho nhỏ nữa là bạn cũng nên viết một vài ghi chú nho nhỏ về thời gian dự định hoàn thành ngay bên cạnh các công việc nữa nhé!
2. Xác định được tầm quan trọng của các công việc
Kỹ năng tổ chức công việc này chiếm một phần rất quan trọng bởi nó quyết định kết quả đạt được ở những nhiệm vụ mà bạn cần thực hiện. Việc sắp xếp được thứ tự các công việc sẽ giúp bạn biết được lúc nào mình cần phải làm gì thay vì bỏ phí thời gian vào việc suy nghĩ xem mình cần làm gì.
Việc sắp xếp được thứ tự các công việc sẽ giúp bạn biết được lúc nào mình cần phải làm gì thay vì bỏ phí thời gian vào việc suy nghĩ xem mình cần làm gì.
Hãy đặt ra cho mình các câu hỏi: Tại sao chúng ta cần thực hiện chúng? Khi nào là hạn chót để hoàn thành? Hậu quả của việc không hoàn thành nhiệm vụ là gì và điều này có ảnh hưởng tới những ai?
Sau khi đã có được danh sách các việc cần làm như ở mục 1, bạn hoàn toàn có thể sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của chúng bằng cách sử dụng các màu sắc nổi bật để đánh dấu. Hãy tập trung hết trí lực, sức lực để hoàn thành những gì là quan trọng nhất và cần kíp nhất trước rồi từ từ tiến dần đến các mục tiêu sau. Chắc chắn sau khi thực hiện được những điều này, bạn sẽ thấy lượng công việc vơi đi một cách đáng kể thay vì thường xuyên bỏ dở chúng bởi bận lo nghĩ đến các công việc tiếp sau.
3. Thường xuyên kiểm tra lại tiến độ hoàn thành công việc
Việc lập danh sách sẽ giúp các công việc được sắp xếp một cách rõ ràng, hiệu quả, tuy nhiên bạn vẫn nên thường xuyên kiểm tra lại tiến độ hoàn thành công việc sau một khoảng thời gian nhất định. Việc này không làm bạn mất quá nhiều thời gian nhưng lại giúp bạn kiểm soát được các việc cần làm và đánh giá mức độ hiệu quả của công việc.
Việc lập danh sách sẽ giúp các công việc được sắp xếp một cách rõ ràng, hiệu quả, tuy nhiên bạn vẫn nên thường xuyên kiểm tra lại tiến độ hoàn thành công việc sau một khoảng thời gian nhất định.
Nhìn chung, chúng ta có rất nhiều công cụ để theo dõi tiến trình công việc, tuy nhiên hôm nay LSC sẽ giới thiệu đến bạn một công cụ rất hữu hiệu đó là biểu đồ GANTT. Với GANTT chart, bạn hoàn toàn có thể cùng một lúc quản lí được nhiều công việc và cả tiến trình thực hiện của công việc đó. Và có một điều đặc biệt là GANTT chart hoàn toàn có thể được tạo dựng bởi chính bạn thông quan phần mềm Microsoft Excel để bạn thỏa sức thiết kế bản kế hoạch tuyệt vời cho riêng mình.
4. Lời kết
Kỹ năng sắp xếp công việc là một kỹ năng không thể thiếu với bất kỳ ai nhất là đối với những người đang và sẽ làm việc. Và bạn hoàn toàn có khả năng tự trau dồi cho bản thân mình kỹ năng này, điều bạn cần làm là cần suy nghĩ và tìm cách thực hiện các nhiệm vụ sao cho hợp lí và phù hợp với bản thân mình nhất. Bạn hãy dành ra một chút thời gian mỗi ngày để suy nghĩ về những gì mình cần làm và đừng trì hoãn trong việc thực hiện bất kì điều gì, bạn nhé!
https://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2019/06/bìa.png441800Tâm Trần Thị Thanhhttps://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2018/08/Transparent-HorizontalLogol-300x83.pngTâm Trần Thị Thanh2019-06-14 17:14:152019-06-14 17:15:103 BƯỚC THIẾT LẬP KỸ NĂNG SẮP XẾP CÔNG VIỆC HỢP LÝ
Trong xã hội hiện đại – thời đại của bùng nổ thông tin, sự giao tiếp và hợp tác giữa con người ngày càng trở nên quan trọng, trong đó khả năng ăn nói của mỗi người đóng vai trò then chốt. Như một nhà triết học phương Tây đã từng nói: “Trên thế gian có một kĩ năng giúp con người thành công rất nhanh, được mọi người công nhận, đó chính là khả năng nói chuyện và giao tiếp”. Có biết cách giao tiếp khéo léo hay không sẽ quyết định sự thành bại của cuộc đối thoại, thậm chí là quyết định sự thành công của một con người..
Vậy làm thế nào để nói năng trôi chảy? Làm thế nào để nói lời “đi vào lòng người”? Cuốn sách “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” này sẽ giải đáp những câu hỏi đó. Cuốn sách với ngôn từ rõ ràng, gần gũi trong cuộc sống sẽ mang đến những kỹ năng và phương pháp giao tiếp thực dụng, chắc chắn sẽ giúp ích cho quý độc giả. Đặc biệt hơn, tác giả của “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” – Trác Nhã đã dốc hết tâm sức nghiên cứu về các kỹ năng và quy tắc giao tiếp, đây có lẽ cũng chính là giá trị lớn nhất của cuốn sách đã tạo động lực thành công cho rất nhiều các thế hệ trẻ này.
1. Khen nhiều chê ít, tránh để lời nói làm hại đến thân
Lời khen chính là một biểu hiện từ nội tâm, khẳng định sự tốt đẹp của sự vật. Lời khen có thể giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn và có mối quan hệ tốt đẹp hơn với mọi người. Ai cũng thích được khen, do đó, bất kể là trong cuộc sống hay trong công việc, chúng ta nhất định phải học cách khen người khác. Bởi lời khen sẽ khiến bạn vui vẻ, lời khen có thể kéo gần khoảng cách giữa người với người.
2. Lời khen giống như nước hoa
Lời khen có thể khiến con người vui vẻ; ngôn ngữ của lời khen cũng giống như nước hoa, có thể khiến mọi người dễ dàng tiếp nhận. Sử dụng lời khen cần phải có kĩ năng, không chỉ cần sự chân thành mà còn cần có phương pháp đúng. Điều này yêu cầu chúng ta phải nắm vững các cách và kĩ năng khen, một lời khen khi nói ra phải khiến người nghe vui vẻ.
3. Khen đúng cách để tạo thiện cảm
Tố chất của con người có cao có thấp, do tuổi tác, tính cách khác nhau nên tố chất cũng không giống nhau. Một lời khen độc đáo, nổi bật sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với những lời khen thông thường.
Đối với người già, chúng ta có thể khen nhiều về những thành tích họ đã đạt được. Đối với người trẻ, chúng ta nên sử dụng ngữ khí mạnh để khen khả năng sáng tạo, đồng thời lấy một vài ví dụ để chứng minh cho điều đó. Đối với thương nhân, có thể khen người đó có đầu óc linh hoạt, giỏi kinh doanh. Đối với các quan chức có địa vị, có thể khen họ chí công vô tư, sáng suốt trong mọi việc. Đối với các phần tử tri thức, nên khen họ có kiến thức sâu rộng, uyên bác… Đương nhiên, tất cả những lời khen này phải phù hợp với tình hình thực tế, không nên khen quá lời, dễ gây ra sự phản cảm. Đối với những người có trình độ văn hóa không cao hoặc trong tình huống xã giao thông thường, lời khen nên súc tích, rõ ràng, đơn giản. Còn đối với những người có trình độ cao hoặc trong các tình huống trang trọng, lời khen phải có tính trọng tâm, trau chuốt.
Cũng có thể nói, khi khen ai đó, phải hiểu rõ về đối tượng khen, sử dụng ngôn ngữ đúng mực, không nên khen quá lời để tránh gây mất cảm tình với đối phương. Lời khen đúng mực sẽ có thể khiến người đối diện cảm thấy thoải mái như khi tận hưởng mùi hương nước hoa dễ chịu.
4. Khen đúng và khen thật lòng
Mặc dù ai cũng thích được khen, nhưng không phải lời khen nào cũng khiến mọi người vui. Chỉ những lời khen xuất phát từ tấm lòng, đúng thực tế mới có thể gây được thiện cảm. Ngược lại, nếu lời khen không chân tình, vô căn cứ thì người được khen sẽ đánh giá không tốt về người khen, thậm chí còn cảm thấy người khen quá lẻo mép và sống không thật lòng.
Một vị Giám đốc nọ, trong buổi liên hoan công ty, do nhảy múa quá hào hứng nên cuối cùng không thể hát thành lời nữa. Ông xua tay và nói: “Không được rồi, hết sức rồi”. Không ngờ một nhân viên cấp dưới của ông lại nói: “Ngài hát hay lắm, cứ như một ca sĩ chuyên nghiệp vậy”. Vị Giám đốc nghe thấy vậy không những không tỏ ra vui vẻ mà còn nhìn anh ta với ánh mắt rất lạ, sau đó ông lạnh lùng đáp: “Tôi biết mình thế nào mà”. Người nhân viên cấp dưới tỏ ra vô cùng bối rối.
Do đó, khen người khác nhất định phải thật lòng, phải dùng chính tấm lòng của mình để cảm nhận ưu điểm của người đối diện và đưa ra lời khen. Nếu khen không thật lòng, lời khen nhất thời có thể khiến người đối diện vui, nhưng về lâu dài, nó có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa hai bên.
Lời khen chân thành không những khiến người được khen cảm thấy vui vẻ trong lòng, mà còn có thể giúp bạn thường xuyên phát hiện ra ưu điểm của người khác, luôn có thái độ tích cực, lạc quan với cuộc sống.
5. Khen ngợi để giúp người khác tiến bộ
Thực tế, trong cuộc sống và trong công việc, người cần được khen ngợi nhất không phải là những người đã sớm thành công danh, mà là những người luôn cảm thấy tự ti về bản thân mình do chưa đạt được thành tích nào đáng kể. Bình thường họ rất ít được nghe một lời khen, nếu nhận được lời khen thật lòng, họ sẽ có được tinh thần lạc quan, vững vàng. Chính vì thế, lời khen có hiệu quả nhất chính là lời khen có tác dụng giúp người được khen xóa bỏ cảm giác tự ti và tiến bộ.
Một đứa trẻ mồ côi đang theo học tại một trường tiểu học, do không có ai chăm sóc nên mỗi ngày cậu bé đều đến trường trong bộ dạng nhếch nhác, bài tập về nhà thì không hoàn thành đúng hạn, thành tích học cũng kém nhất lớp, cả giáo viên và các bạn đều nhìn cậu với ánh mắt lạnh nhạt.
Khi đứa bé học đến lớp 6 thì một cô giáo trẻ làm giáo viên chủ nhiệm. Ngày đầu tiên khi lên lớp, cô giáo điểm danh và gọi đến tên học sinh này, gọi mãi nhưng cậu không thưa. Cả lớp đều cho rằng cô giáo nhất định sẽ trách mắng cậu học sinh mồ côi, nhưng cô lại nói với vẻ rất thân thiện: “Em đã rất chăm chỉ trong giờ vệ sinh quét dọn buổi sáng, điều này đáng để mọi người học tập. Chúng ta hãy cùng cổ vũ bạn được không?”
Lời khen của cô giáo khiến cậu học sinh mồ côi rất vui, sau đó cậu đã thực sự có một sự thay đổi lớn. Cũng từ đó, cậu không chỉ chăm làm vệ sinh mà còn tự tin, cố gắng học tập nâng cao thành tích của mình.
Một lời khen đã làm thay đổi cuộc đời một con người. Lời khen không chỉ khiến người đối diện vui vẻ mà còn giúp họ củng cố sự tự tin, tạo động lực thay đổi để có được thành công.
6. Nên đưa ra lời khen cụ thể, tránh nói chung chung, sáo rỗng
Khi chúng ta khen ngợi người khác, nhất định phải nhấn mạnh vào một điểm nào đó, tránh nói chung chung, ngôn ngữ phải cụ thể, khen ngợi đối phương về những ưu điểm mà chưa ai phát hiện ra, như vậy mới khiến người được khen cảm thấy người nói có thành ý, khen thật lòng.
Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta thường nghe thấy những lời khen như thế này: “Anh đúng là một người tốt”, “Chị viết bài này rất hay”… Vậy tốt ở điều gì? Hay đến mức độ nào, tại sao lại hay? Những lời khen như vậy nghe rất sáo rỗng, người khác sẽ cho rằng bạn khen lấy lệ, khách sáo.
Vì thế, khi khen ngợi ai đó phải chân thành, có thiện ý, khen ngợi những ưu điểm mà họ chưa phát hiện ra. Ví dụ, một cô gái xinh là thực tế đã được công nhận, bạn phải phát hiện cô ấy có một chiếc răng khểnh rất đáng yêu và khen cô ấy, như vậy chắc chắn cô gái đó sẽ rất vui.
Hãy cố gắng phát hiện ưu điểm của đối phương và đừng bỏ lỡ dịp dành tặng họ những lời khen, làm như vậy sẽ khiến họ cảm động. Bởi điều đó chứng tỏ bạn quan tâm tới đối phương, luôn theo sát và biết được thành tích của họ, người đó cũng sẽ có thể cảm nhận được tấm lòng, sự thân thiết và niềm tin từ bạn, khoảng cách giữa hai bên sẽ ngày càng được rút ngắn. Do đó, khi chúng ta khen ngợi người khác, nhất định phải tránh nói những lời chung chung không rõ ý.
ĐÔI LỜI NHẮN NHỦ
Sau khi đọc xong cuốn sách này, cá nhân mình thấy đây là một nguồn tài liệu vô cùng bổ ích, không chỉ áp dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, mà đặc biệt thiết thực với sinh viên. Chẳng phải đi đâu, yêu cầu công việc cũng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp là một lợi thế hay sao? Thực vậy, chỉ có kĩ năng giao tiếp, thuyết phục không thôi có thể chưa cho ta được một công việc ổn định, thu nhập cao, nhưng chắc chắn là một kỹ năng không thể thiếu và đặc biệt quan trọng khi bạn vươn tới những dấu mốc cao hơn trên con đường công danh của mình. Và có một điều rằng, lời ăn tiếng nói cũng không phải tự sinh ra đã khéo, giao tiếp cũng là một kĩ năng đòi hỏi thực hành và rèn luyện theo thời gian. Chúng ta, tốt hơn hết, hãy tự trang bị cho bản thân một hành trang quan trọng cho công việc và tương lai sau này ngay hôm nay, bạn nhé!
https://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2019/05/bìa3-07.jpg9902075Tâm Trần Thị Thanhhttps://lsc-ftu.org/wp-content/uploads/2018/08/Transparent-HorizontalLogol-300x83.pngTâm Trần Thị Thanh2019-05-21 12:26:432019-05-21 12:26:45Review sách “Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ”