Posts

HỌC CÁCH NÓI “KHÔNG”

Đã bao nhiêu lần bạn dám nói “Không” trước những lời đề nghị nhờ vả của người khác? Liệu bạn có từng sợ rằng sau khi từ chối đối phương sẽ cảm thấy thất vọng? 

Luôn luôn đồng ý với mọi thứ hay tự gắn mình với những trách nhiệm không cần thiết sẽ khiến chúng ta dần trở nên mệt mỏi. Thế nên, biết từ chối đúng lúc là điều thực sự rất quan trọng.

Vậy, làm sao để nói “Không” một cách khéo léo và phù hợp nhất? Hãy cùng LSC tìm ra câu trả lời thích đáng nhé!

Vì sao chúng ta khó nói không?

Hiển nhiên việc đồng ý lúc nào cũng dễ dàng hơn từ chối. Ta cảm thấy chưa đủ thoải mái để nói “Không” vì sợ cảm xúc tội lỗi sẽ áp đảo tất cả. Ngoài ra, chẳng phải ai cũng đủ dũng cảm để đối mặt với sự phản ứng giận dữ hay thất vọng của người khác. Đôi khi, chúng ta sợ rằng lời từ chối sẽ làm xấu đi các mối quan hệ đã xây dựng từ lâu.

Một lý do khác khiến không ít người nói “Có” là bởi họ sợ bỏ lỡ cơ hội để thăng tiến, thể hiện bản thân. Tuy nhiên, nếu như ồm đồm quá nhiều việc cùng một lúc, rất có thể chúng ta sẽ bị phân tán, khó mà hoàn thành công việc một cách tốt nhất được.

Tại sao cần phải nói “Không”?

Một trong những lợi ích của việc từ chối đúng lúc chính là có được sự tin cậy. Nguyên nhân là bởi, nếu nhanh chóng đồng ý với những yêu cầu không thể hoàn thành, đối phương sẽ dễ dàng mất niềm tin ở chúng ta. Hãy thật chắc chắn rằng quyết định đó nằm trong khả năng của mình để có thể thực hiện tốt và nhận được sự tín nhiệm bạn nhé! 

Nói “Không” còn cho phép bạn có thời gian làm những việc khác quan trọng hơn.  Bởi nếu cứ mải mê chạy theo cuộc sống bên ngoài thì rất có thể khiến ta quên đi những mối quan tâm khác của riêng mình. Biết từ chối đúng lúc để chú tâm vào làm điều cần thiết không chỉ giúp tiết kiệm thời giờ mà còn tạo ra hiệu quả cao khi thực hiện.

Vậy làm thế nào để học cách nói “Không” hiệu quả?

1. Đặt ra câu hỏi cụ thể 

Trước khi bắt đầu đồng ý với bất kỳ lời đề nghị nào, ta nên tự hỏi: “Việc này có nằm trong khả năng của bản thân?”, “Đối phương có xứng đáng để mình giúp đỡ?” hay “Chúng ta có đang bị lợi dụng?”. Việc này thực sự rất cần thiết bởi lẽ nó giúp mọi người xem xét sự việc một cách tổng thể, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn và tránh được các rủi ro không đáng có.

2. Lắng nghe bản thân muốn gì?

Bạn biết đấy, làm việc với sự hứng thú sẽ hiệu quả hơn nhiều so với ép buộc hay miễn cưỡng. Hãy lựa chọn bởi mình thật sự muốn mà không phải vì nghĩa vụ nào cả. Ví dụ đơn giản như: nếu nhận được lời rủ rê đi xem phim từ hội bạn thân chí cốt, trong khi cơ thể bạn đang rất mệt mỏi và có dấu hiệu cảm cúm. Liệu bạn sẽ đưa ra quyết định như thế nào? Một lời từ chối nên được đưa ra bởi bạn sẽ khó lòng tận hưởng cuộc chơi với thể trạng khi ấy của mình. Hãy lắng nghe bản thân thực sự cần gì và dành cho nó sự quan tâm bạn nhé!

3. Từ chối đúng cách và khéo léo

“Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Một khi chúng ta không thể làm việc gì cho ai đó, hãy thẳng thắn từ chối và nói rõ tại sao một cách hợp lí và tế nhị nhất. Chúng ta không nên vòng vo hay đưa ra những lời hứa suông để người đề nghị có thể nhanh chóng tìm phương án khác. Tuy nhiên, cũng cần khéo léo trong cách sử dụng ngôn từ và biểu hiện thái độ. Ngoài ra, nếu đưa thêm được lời khuyên hay gợi ý thay thế cho người nhờ vả sẽ là một điểm cộng lớn. Việc này không chỉ giúp họ biết được ta đã thực sự xem xét vấn đề đó mà còn thể hiện sự quan tâm và thành thật ở mỗi người. 

Lời kết

Việc nói “Không” đúng lúc rất cần thiết như một sự tôn trọng bản thân và cả đối phương. Vậy nên, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi bắt đầu đồng ý làm một việc gì  bạn nhé!

ĐỪNG ĐỂ KỲ NGHỈ TRÔI QUA VÔ NGHĨA

– Chơi hết hôm nay đã, ngày nghỉ vẫn còn dài mà

– Cứ từ từ, hôm khác mình sẽ đọc sách

Chắc hẳn rằng có không ít người đều đã từng tự nhủ với bản thân ít nhất một lần như thế trong thời gian này. Kỳ nghỉ dài vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, đâu đó ngoài kia vẫn có những con người đang nỗ lực không ngừng nghỉ. Vậy thì tại sao chúng ta không tranh thủ để hoàn thiện bản thân?

Đừng để kỳ nghỉ trôi qua một cách vô nghĩa, đừng để bản thân phải hối tiếc mà hãy lên dây cót tinh thần ngay thôi. Nếu bạn thấy mình “hoang mang” chưa biết nên làm gì thì hãy tham khảo những gợi ý từ LSC nhé!

 Một số việc làm có ích cho bản thân trong kỳ nghỉ

1. Dọn dẹp nhà cửa – cải thiện tinh thần

Đã gần 3 tháng kể từ ngày bắt đầu kì nghỉ, ngôi nhà và căn phòng của bạn liệu có còn tinh tươm như hôm mùng 1 Tết không? Chần chờ gì nữa mà không bắt tay vào dọn dẹp ngay thôi. Chúng ta vừa có thể sửa soạn lại mọi thứ, vừa tìm lại những kỷ niệm thú vị đã bỏ quên. Một căn phòng ngăn nắp gọn gàng cũng sẽ giúp tinh thần ta tốt hơn lên nhiều đấy!

“Một căn phòng thoáng đãng gọn gàng sẽ giúp tinh thần thoải mái và tích cực hơn.”

 2. Thể dục thể thao – nâng cao đề kháng

Hãy bắt đầu với những thói quen tốt cho sức khỏe mà ta vẫn chưa thể thực hiện đàng hoàng suốt bao năm qua. Mỗi buổi sáng bước ra khỏi giường, hãy dành ra ít nhất 15 phút để tập thể dục, không cần quá phức tạp, chỉ đơn giản là những động tác vươn vai hít thở. Kiên trì mỗi ngày sẽ khiến nó biến thành thói quen lành mạnh.

3. Đọc sách – mở ra chân trời mới

Đọc sách cũng là một hoạt động bổ ích giúp bạn tiếp thu tri thức và phát triển bản thân. Hãy bắt đầu từ quyển “Nhà giả kim” chẳng hạn. Biết đâu sau khi đọc xong bạn lại thấy được hình ảnh mình trong đó và nảy sinh ra nhiều ý tưởng thú vị. Còn nếu không mua được sách trong thời gian này, chúng ta cũng có thể tìm đọc ebook trên mạng. Vậy ngại gì mà không nhân cơ hội này để tranh thủ thanh lọc tâm hồn và nâng cao tầm nhìn của bản thân nhỉ?

“Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới” – M.Gorki

4. Nấu nướng – cảm nhận cuộc sống bình dị

Học nấu ăn cũng là cách để ta quan tâm và chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Chúng ta có thể tìm công thức trên mạng, thử những món đang được giới trẻ ưa chuộng như Dalgona Coffee dạo gần đây chẳng hạn. Nhưng nếu không đủ tự tin với khả năng nấu nướng của mình, hãy bắt đầu từ việc phụ bếp, cũng khá là thú vị. Ngoài ra, việc tham gia vào các group như Ghét Bếp Nghiện Nhà, Lăn Vào Bếp hay Vụng Việc Bếp – Dở Việc Nhà biết đâu lại giúp ta thấy được sự đồng điệu của bản thân mình trong đó và có động lực hơn với chuyện bếp núc đấy!

Cách học tập và làm việc tại nhà hiệu quả

Ngoài những hoạt động thú vị và bổ ích, chúng ta cũng không nên lơ là việc học và việc làm. Hãy tranh thủ cơ hội này để học những thứ mà mình ấp ủ bấy lâu nhưng chưa có thời gian, và thực hiện một cách hiệu quả nhất theo những kinh nghiệm mà chúng mình đúc kết được nhé!

“Work from home” mùa dịch, hãy đưa bản thân vào khuôn khổ

1. Bố trí không gian học và làm hợp lý

Học và làm ở nhà đôi khi khiến chúng ta mất tập trung hơn là tại công sở. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp và bài trí cho mình một không gian thoải mái thì sẽ thật lý tưởng đấy! Hãy xếp bàn ở cách xa giường và trang trí nó thật ngăn nắp! Điều này sẽ giúp ta có cảm hứng làm việc, rạch ròi giữa làm và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi “work from home”, ta khó có thể tránh khỏi việc chia sẻ không gian với gia đình. Do đó hãy cố gắng học và làm ở một nơi riêng biệt tránh bị mất tập trung hay làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh bạn nhé!

2. Xây dựng timeline cụ thể 

Chúng ta nên tạo cho mình một thói quen làm việc bình thường như trên giảng đường hay ở công ty. Vì vậy, việc đặt ra lịch trình làm việc và nghỉ ngơi là vô cùng cần thiết.  Hãy dành cho mình một khoảng thời gian thư giãn vào buổi trưa. Việc này không chỉ giúp ta có thêm năng lượng cho công việc buổi chiều mà còn rất phù hợp với việc sinh hoạt chung trong gia đình. Nếu “work from home” mà không có giờ giấc khoa học thì nó sẽ làm mất đi thói quen ta đã gây dựng bấy lâu. Ngược lại, có kế hoạch làm việc chi tiết không chỉ giúp công việc nhanh chóng được giải quyết mà còn đem lại hiệu quả cao hơn đấy.

3. Rèn luyện khả năng tập trung 

Chúng ta thường bị xao nhãng khi học và làm việc ở nhà. Điều đó khiến ta khó có thể hoàn thành mục tiêu một cách hiệu quả nhất được. Vậy nên, hãy tận dụng tốt thời gian bằng cách ngồi làm việc thật tập trung trong vòng 30 phút. Nửa tiếng sau đó mới cho phép bản thân nghỉ ngơi một chút, vươn vai, đi lại một chút hay pha một tách trà, rồi bắt đầu 30 phút làm việc tiếp theo. Bạn có thể sử dụng app Pomodoro trên điện thoại di động. Nó sẽ giúp bạn phân nhỏ các nhiệm vụ cần hoàn thành và chia thời gian thành nhiều “miếng” nhỏ. Cứ như vậy mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, bạn có thể nghỉ ngơi một lúc. Dần dần điều này sẽ trở thành thói quen, và khả năng tập trung của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều đấy!

Lời kết

Thời gian cách ly chính là lúc để ta lên dây cót tinh thần. Hãy tìm ra những cách phù hợp cho bản thân để linh hoạt và chủ động trong công việc trong mùa dịch bệnh khó khăn này. Tranh thủ trang bị cho bản thân nhiều kĩ năng để lúc trở lại guồng quay công việc, chúng ta không còn bỡ ngỡ mà thay vào đó là làm tốt hơn.

CÁCH GIÚP BẠN QUẢN LÝ THỜI GIAN MỘT CÁCH HOÀN HẢO

Bạn luôn cảm thấy mình bận rộn?

Bạn có quá nhiều mối bận tâm, từ công việc đến học tập và rất nhiều các mối quan hệ xung quanh khác, bạn luôn cảm thấy thật áp lực bởi sự “Thiếu thời gian”.

Tuy nhiên, những điều này hoàn toàn có thể giải quyết bằng những bí kíp quản lí thời gian một cách hoàn hảo của LSC. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu chúng nhé!

1. LUÔN HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC ĐÚNG THỜI HẠN

Một biểu hiện thường thấy ở rất nhiều người chưa thể sử dụng được toàn bộ thời gian mà mình đang có đó là sự dồn ép trong công việc, công việc này chưa hoàn thành nhưng công việc khác đã vội ập đến khiến chúng ta không kịp trở tay. 

Để giải quyết được vấn đề này, trước tiên chúng ta cần tự hỏi chính mình: “Ta nên dành bao nhiêu thời gian cho nó?”. Sau đó, hãy tự lập cho mình một thời gian biểu với các công việc và giới hạn thời gian cụ thể, đồng thời hãy cố gắng hết sức nhằm đạt hoàn thành mục tiêu đề ra để thời gian không còn có thể làm khó bạn.

2. LUÔN ĐỂ CHO MÌNH NHỮNG “KHOẢNG TRỐNG”

Có đôi lúc, ta ôm đồm quá nhiều việc trong một khoảng thời gian ngắn và luôn đặt bản thân trong trạng thái vội vã bởi ta không hề có những khoảng thời gian trống giữa các nhiệm vụ. Mọi sự đến một lúc nào đó sẽ trở nên rối tung, đặc biệt là khi có sự cố xảy đến những ta không hề có khoảng thời gian dự phòng cần thiết để xử lí chúng.

Chính vì vậy, khi lên kế hoạch làm việc, đừng quên để lại cho mình những khoảng trống phù hợp nhằm phục vụ cho mục đích giải quyết các vấn đề phát sinh.

3. HÃY LOẠI BỎ KHOẢNG THỜI GIAN CHẾT

Như thế nào được gọi là “khoảng thời gian chết”? Đó là khoảng thời gian mà chúng ta dùng chưa đúng mục đích hay bỏ phí cho nó trôi đi qua mà không làm gì cả. 

Xóa bỏ thời gian chết chính là một mấu chốt hết sức quan trọng giúp bạn quản lý thời gian của chính mình, hãy học cách nói “KHÔNG” thật dứt khoát, mỗi khi thấy mình còn rảnh rỗi thì hãy đọc một cuốn sách hay làm một vài công việc nho nhỏ, chắc chắn bạn sẽ thấy lượng công việc vơi đi dần dần và sẽ không còn phải dằn vặt bản thân bởi những giờ vô ích mà bạn bỏ phí trong cuộc đời.

4. HÃY KHÉO LÉO CHỌN NHÓM VIỆC CÓ LIÊN QUAN TỚI NHAU

Bạn luôn có hàng tá các công việc chờ giải quyết và không biết mình phải bắt đầu từ đâu, bạn tốn quá nhiều thời gian của mình để giải quyết từng công việc dù bạn biết rằng chúng có thể có điểm gì đó tương đồng. Do đó, thay vì thực hiện các nhiệm vụ khác nhau một cách riêng biệt, chúng ta cần biết phân chia các nhóm công việc có mối liên kết nhất định với nhau về thông tin, hay cách làm để trong khi giải quyết việc này ta hoàn toàn có thể giải quyết thêm được cả các việc khác nữa. Thật là tuyệt phải không nào?

5. KIỂM SOÁT ĐƯỢC NHỮNG YẾU TỐ KHIẾN BẠN XAO LÃNG

Con người chúng ta vẫn thường hay bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài trong rất nhiều hoàn cảnh, do đó nếu muốn tiết kiệm được thời gian thì ta phải thực sự kiểm soát được chúng.

Để thực hiện được điều này, chúng ta phải kiên quyết loại bỏ các yếu tố không liên quan đến công việc như mạng xã hội hay khoảng thời gian nói chuyện phiếm với bạn bè ra khỏi tâm trí mình, đồng thời hãy nâng cao sự tập trung của bản thân bằng cách nghe một bản nhạc baroque và bằng sự luyện tập hàng ngày.

6. LỜI KẾT

Nhìn chung, Để quản lý thời gian hiệu quả, bạn cần dành đủ thời gian để lập kế hoạch, luôn có những khoảng thời gian dự phòng sao cho hợp lí và điều quan trọng nhất là không bao giờ được để cho thời gian trôi đi một cách phí hoài. 

Hãy thử áp dụng 5 bí kíp mà LSC đã chia sẻ và cũng đừng quên chia sẻ thêm những cách quản lí thời gian của riêng bạn nhé! 

TỪ BỎ THÓI QUEN TRÌ HOÃN – NẮM LẤY CƠ HỘI THÀNH CÔNG

“Có một dự án đang cần bạn hoàn thành gấp cho kịp deadline, và bạn đang dồn hết tâm trí và sự tập trung vào đó. Đột nhiên, bạn nảy ra ý nghĩ rằng, mình hôm nay chưa lướt newsfeed trên Facebook để cập nhật tin tức thì phải. Dành khoảng 20 phút lướt chán chê và rồi cuối cùng, khi đã cảm thấy mỏi mệt, một bộ phim sẽ là cứu cánh cho bạn và bạn sẽ lấy nó làm lý do để trì hoãn công việc của mình sang một buổi khác. Mà theo bạn, lúc đó mới thực sự là lúc thích hợp để làm việc”

Bạn thấy cảm giác trên có quen thuộc không? Chắc chắn là có!  Ngày qua ngày, trì hoãn sẽ trở thành một thói quen cho đến lúc bạn không còn muốn thực hiện dự định ban đầu nữa. Đó là cách mà sự trì hoãn sẽ dần dần giết chết ước mơ của bạn.

Vậy làm thế nào để thổi bay thói quen trì hoãn?

1. NGHĨ ĐẾN HẬU QUẢ

Một ví dụ dễ thấy nhất về sự trì hoãn là việc “miss cố bài tập về nhà hoặc ôn bài”. Bạn học 3 tiết trên giảng đường và có hảng tỷ thứ BTVN,case,tiểu luận, deadline. Bạn hoàn toàn có thể hoàn thành chúng ngay khi đi học về hoặc ôn lại kiến thức ngay sau đó. Tuy nhiên, bạn thường không làm vậy và để mặc nó trôi đi ngày này qua ngày khác, để đến khi kỳ thi đến, việc “nước đến chân mới nhảy” làm bạn thực sự hoang mang và lúc này bạn mới tự đặt cho mình tiếng than thở “Nhẽ ra lúc đấy về mình ôn bài luôn thì đã không khổ sở thế này!”

Vẫn trong ví dụ đó, nếu bạn nghĩ đến hậu quả cuả việc trì hoãn học tập, deadline là những lời trách móc từ giáo viên, từ sếp hay những ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả và quyền lợi của bạn thì đến lúc đó bạn mới nhận ra rằng trì hoãn đã tác động xấu tới bạn như thế nào!

Từ những ví dụ như trên, khoa học đã chứng minh rằng: “Suy nghĩ lặp đi lặp lại sẽ ăn sâu vào tiềm thức, từ đó ảnh hưởng đến hành động và sẽ tạo cho bạn thói quen mới”

2. MỤC TIÊU HÓA VỚI HIỆN THỰC

Nếu bạn tự nhủ: “Một năm nữa tôi sẽ đạt 8.0 IELTS” và chỉ dừng lại ở đó thì cơ hội cho bạn hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn gần như là con số 0 tròn trĩnh. Ngày mai, bạn sẽ nghĩ rằng “Mình còn một năm nữa, chẳng có gì đáng lo”. Ngày hôm sau, suy nghĩ ấy sẽ lặp lại và bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được điều mình mong muốn.

Nhưng thay vào đó bạn có thể đặt ra những mục tiêu nhỏ hơn như: “Ngày mai tôi sẽ làm 2 bài đọc, 2 bài nghe” hay “Một tuần nữa tôi sẽ làm hết quyển bài tập luyện thi IELTS này”,… – những mục tiêu ngay trước mắt mà bạn không thể viện cớ chối từ.

Để đi đến một cái đích lớn, hãy đặt ra những cái đích nhỏ hơn và hoàn thành nó thật nghiêm túc!

3. TẠO NIỀM VUI TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT 

Đôi khi con đường đến với cái đích lớn quá dài khiến bạn dễ dàng nản chí. Bạn cảm thấy những công việc trước mắt thật khô khan và thực hiện nó như thể bị ép buộc. Những lúc như thế, hãy cố gắng tạo ra những niềm vui nho nhỏ như bật một list nhạc yêu thích và tự nhủ rằng khi nó kết thúc thì bạn cũng sẽ hoàn thành công việc của mình. Như thế, niềm vui sẽ tiếp thêm tình yêu với công việc, tạo ra sức mạnh thắng lại lực cản của sự trì hoãn.

4. ĐƯA RA NHỮNG TIPS RIÊNG CHO BẢN THÂN 

Quan điểm sống “ì ạch”, thường xuyên trì hoãn mọi việc tiềm ẩn các tác động rất tiêu cực tới những kết quả bạn nhận về, sự thành công và thậm chí, chính cuộc đời bạn. Và đây là một chiến lược giúp bạn đánh bại thói trì hoãn và nhanh chóng gây dựng những kết quả tích cực cho mình. Đó là Kỹ thuật IMAN:

I : Tôi

MUST : Phải

ACT : Hành động

NOW: Ngay bây giờ

“Thế giới rộng lớn ngoài kia đang không ngừng vận động. Một giây trì hoãn đồng nghĩa với việc bạn đang bị thụt lùi lại so với 7 tỷ con người khác, xa rời ước mơ của chính mình. Thời gian không chờ đợi một ai và cũng chẳng ai biết trước những tháng ngày còn lại. Vậy nên hãy thôi lãng phí những phút giây quý giá, thôi do dự và sống một tuổi trẻ thật trọn vẹn bạn nhé!”