Posts

Review sách “Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ”

Trong xã hội hiện đại – thời đại của bùng nổ thông tin, sự giao tiếp và hợp tác giữa con người ngày càng trở nên quan trọng, trong đó khả năng ăn nói của mỗi người đóng vai trò then chốt. Như một nhà triết học phương Tây đã từng nói: “Trên thế gian có một kĩ năng giúp con người thành công rất nhanh, được mọi người công nhận, đó chính là khả năng nói chuyện và giao tiếp”. Có biết cách giao tiếp khéo léo hay không sẽ quyết định sự thành bại của cuộc đối thoại, thậm chí là quyết định sự thành công của một con người..

Vậy làm thế nào để nói năng trôi chảy? Làm thế nào để nói lời “đi vào lòng người”? Cuốn sách “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” này sẽ giải đáp những câu hỏi đó. Cuốn sách với ngôn từ rõ ràng, gần gũi trong cuộc sống sẽ mang đến những kỹ năng và phương pháp giao tiếp thực dụng, chắc chắn sẽ giúp ích cho quý độc giả. Đặc biệt hơn, tác giả của “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” – Trác Nhã đã dốc hết tâm sức nghiên cứu về các kỹ năng và quy tắc giao tiếp, đây có lẽ cũng chính là giá trị lớn nhất của cuốn sách đã tạo động lực thành công cho rất nhiều các thế hệ trẻ này.

1. Khen nhiều chê ít, tránh để lời nói làm hại đến thân

Lời khen chính là một biểu hiện từ nội tâm, khẳng định sự tốt đẹp của sự vật. Lời khen có thể giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn và có mối quan hệ tốt đẹp hơn với mọi người. Ai cũng thích được khen, do đó, bất kể là trong cuộc sống hay trong công việc, chúng ta nhất định phải học cách khen người khác. Bởi lời khen sẽ khiến bạn vui vẻ, lời khen có thể kéo gần khoảng cách giữa người với người.

2. Lời khen giống như nước hoa

Lời khen có thể khiến con người vui vẻ; ngôn ngữ của lời khen cũng giống như nước hoa, có thể khiến mọi người dễ dàng tiếp nhận. Sử dụng lời khen cần phải có kĩ năng, không chỉ cần sự chân thành mà còn cần có phương pháp đúng. Điều này yêu cầu chúng ta phải nắm vững các cách và kĩ năng khen, một lời khen khi nói ra phải khiến người nghe vui vẻ.

3. Khen đúng cách để tạo thiện cảm

Tố chất của con người có cao có thấp, do tuổi tác, tính cách khác nhau nên tố chất cũng không giống nhau. Một lời khen độc đáo, nổi bật sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với những lời khen thông thường.

Đối với người già, chúng ta có thể khen nhiều về những thành tích họ đã đạt được. Đối với người trẻ, chúng ta nên sử dụng ngữ khí mạnh để khen khả năng sáng tạo, đồng thời lấy một vài ví dụ để chứng minh cho điều đó. Đối với thương nhân, có thể khen người đó có đầu óc linh hoạt, giỏi kinh doanh. Đối với các quan chức có địa vị, có thể khen họ chí công vô tư, sáng suốt trong mọi việc. Đối với các phần tử tri thức, nên khen họ có kiến thức sâu rộng, uyên bác… Đương nhiên, tất cả những lời khen này phải phù hợp với tình hình thực tế, không nên khen quá lời, dễ gây ra sự phản cảm. Đối với những người có trình độ văn hóa không cao hoặc trong tình huống xã giao thông thường, lời khen nên súc tích, rõ ràng, đơn giản. Còn đối với những người có trình độ cao hoặc trong các tình huống trang trọng, lời khen phải có tính trọng tâm, trau chuốt.

Cũng có thể nói, khi khen ai đó, phải hiểu rõ về đối tượng khen, sử dụng ngôn ngữ đúng mực, không nên khen quá lời để tránh gây mất cảm tình với đối phương. Lời khen đúng mực sẽ có thể khiến người đối diện cảm thấy thoải mái như khi tận hưởng mùi hương nước hoa dễ chịu.

4. Khen đúng và khen thật lòng

Mặc dù ai cũng thích được khen, nhưng không phải lời khen nào cũng khiến mọi người vui. Chỉ những lời khen xuất phát từ tấm lòng, đúng thực tế mới có thể gây được thiện cảm. Ngược lại, nếu lời khen không chân tình, vô căn cứ thì người được khen sẽ đánh giá không tốt về người khen, thậm chí còn cảm thấy người khen quá lẻo mép và sống không thật lòng.

Một vị Giám đốc nọ, trong buổi liên hoan công ty, do nhảy múa quá hào hứng nên cuối cùng không thể hát thành lời nữa. Ông xua tay và nói: “Không được rồi, hết sức rồi”. Không ngờ một nhân viên cấp dưới của ông lại nói: “Ngài hát hay lắm, cứ như một ca sĩ chuyên nghiệp vậy”. Vị Giám đốc nghe thấy vậy không những không tỏ ra vui vẻ mà còn nhìn anh ta với ánh mắt rất lạ, sau đó ông lạnh lùng đáp: “Tôi biết mình thế nào mà”. Người nhân viên cấp dưới tỏ ra vô cùng bối rối.

Do đó, khen người khác nhất định phải thật lòng, phải dùng chính tấm lòng của mình để cảm nhận ưu điểm của người đối diện và đưa ra lời khen. Nếu khen không thật lòng, lời khen nhất thời có thể khiến người đối diện vui, nhưng về lâu dài, nó có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa hai bên.

Lời khen chân thành không những khiến người được khen cảm thấy vui vẻ trong lòng, mà còn có thể giúp bạn thường xuyên phát hiện ra ưu điểm của người khác, luôn có thái độ tích cực, lạc quan với cuộc sống.

5. Khen ngợi để giúp người khác tiến bộ

Thực tế, trong cuộc sống và trong công việc, người cần được khen ngợi nhất không phải là những người đã sớm thành công danh, mà là những người luôn cảm thấy tự ti về bản thân mình do chưa đạt được thành tích nào đáng kể. Bình thường họ rất ít được nghe một lời khen, nếu nhận được lời khen thật lòng, họ sẽ có được tinh thần lạc quan, vững vàng. Chính vì thế, lời khen có hiệu quả nhất chính là lời khen có tác dụng giúp người được khen xóa bỏ cảm giác tự ti và tiến bộ.

Một đứa trẻ mồ côi đang theo học tại một trường tiểu học, do không có ai chăm sóc nên mỗi ngày cậu bé đều đến trường trong bộ dạng nhếch nhác, bài tập về nhà thì không hoàn thành đúng hạn, thành tích học cũng kém nhất lớp, cả giáo viên và các bạn đều nhìn cậu với ánh mắt lạnh nhạt.

Khi đứa bé học đến lớp 6 thì một cô giáo trẻ làm giáo viên chủ nhiệm. Ngày đầu tiên khi lên lớp, cô giáo điểm danh và gọi đến tên học sinh này, gọi mãi nhưng cậu không thưa. Cả lớp đều cho rằng cô giáo nhất định sẽ trách mắng cậu học sinh mồ côi, nhưng cô lại nói với vẻ rất thân thiện: “Em đã rất chăm chỉ trong giờ vệ sinh quét dọn buổi sáng, điều này đáng để mọi người học tập. Chúng ta hãy cùng cổ vũ bạn được không?”

Lời khen của cô giáo khiến cậu học sinh mồ côi rất vui, sau đó cậu đã thực sự có một sự thay đổi lớn. Cũng từ đó, cậu không chỉ chăm làm vệ sinh mà còn tự tin, cố gắng học tập nâng cao thành tích của mình.

Một lời khen đã làm thay đổi cuộc đời một con người. Lời khen không chỉ khiến người đối diện vui vẻ mà còn giúp họ củng cố sự tự tin, tạo động lực thay đổi để có được thành công.

6. Nên đưa ra lời khen cụ thể, tránh nói chung chung, sáo rỗng

Khi chúng ta khen ngợi người khác, nhất định phải nhấn mạnh vào một điểm nào đó, tránh nói chung chung, ngôn ngữ phải cụ thể, khen ngợi đối phương về những ưu điểm mà chưa ai phát hiện ra, như vậy mới khiến người được khen cảm thấy người nói có thành ý, khen thật lòng.

Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta thường nghe thấy những lời khen như thế này: “Anh đúng là một người tốt”, “Chị viết bài này rất hay”… Vậy tốt ở điều gì? Hay đến mức độ nào, tại sao lại hay? Những lời khen như vậy nghe rất sáo rỗng, người khác sẽ cho rằng bạn khen lấy lệ, khách sáo.

Vì thế, khi khen ngợi ai đó phải chân thành, có thiện ý, khen ngợi những ưu điểm mà họ chưa phát hiện ra. Ví dụ, một cô gái xinh là thực tế đã được công nhận, bạn phải phát hiện cô ấy có một chiếc răng khểnh rất đáng yêu và khen cô ấy, như vậy chắc chắn cô gái đó sẽ rất vui.

Hãy cố gắng phát hiện ưu điểm của đối phương và đừng bỏ lỡ dịp dành tặng họ những lời khen, làm như vậy sẽ khiến họ cảm động. Bởi điều đó chứng tỏ bạn quan tâm tới đối phương, luôn theo sát và biết được thành tích của họ, người đó cũng sẽ có thể cảm nhận được tấm lòng, sự thân thiết và niềm tin từ bạn, khoảng cách giữa hai bên sẽ ngày càng được rút ngắn. Do đó, khi chúng ta khen ngợi người khác, nhất định phải tránh nói những lời chung chung không rõ ý.

ĐÔI LỜI NHẮN NHỦ

Sau khi đọc xong cuốn sách này, cá nhân mình thấy đây là một nguồn tài liệu vô cùng bổ ích, không chỉ áp dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, mà đặc biệt thiết thực với sinh viên. Chẳng phải đi đâu, yêu cầu công việc cũng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp là một lợi thế hay sao? Thực vậy, chỉ có kĩ năng giao tiếp, thuyết phục không thôi có thể chưa cho ta được một công việc ổn định, thu nhập cao, nhưng chắc chắn là một kỹ năng không thể thiếu và đặc biệt quan trọng khi bạn vươn tới những dấu mốc cao hơn trên con đường công danh của mình. Và có một điều rằng, lời ăn tiếng nói cũng không phải tự sinh ra đã khéo, giao tiếp cũng là một kĩ năng đòi hỏi thực hành và rèn luyện theo thời gian. Chúng ta, tốt hơn hết, hãy tự trang bị cho bản thân một hành trang quan trọng cho công việc và tương lai sau này ngay hôm nay, bạn nhé!

[REVIEW SÁCH] Đắc nhân tâm – Bậc thầy trong nghệ thuật giao tiếp

Đã bao giờ bạn từng tự hỏi mình rằng bản thân đã làm tốt trong ứng xử đời thường chưa? Bạn có hay gặp khó khăn trong giao tiếp không? Có bao giờ bạn bị bối rối không biết ứng xử sao khi gặp khách hàng khó tính? Hay bạn đang tìm kiếm phương pháp để cải thiện các mối quan hệ đang có?

Câu trả lời cho những thắc mắc trên đều nằm trong Đắc nhân tâm – cuốn sách đã luôn nằm trong top bán chạy nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất thời đại, là cuốn sách gối đầu giường của biết bao bạn trẻ các thế hệ.

“Đắc nhân tâm” ra đời như thế nào?

Dale Breckenridge Carnegie vốn là một nhà văn – nhà thuyết trình người Mỹ, là người phát triển các lớp tự giáo dục nói trước công chúng và các kỹ năng giao tiếp giữa mọi người. Để có thể viết thành công cuốn sách này, Dale đã phải bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu, tìm kiếm, khảo sát trên các đối tượng khác nhau. Ban đầu, nó chỉ là một bài học ngắn, nhưng tích lũy dần theo thời gian, cuốn sách đã dần hoàn thiện và trở thành một bài học chi tiết đầy đủ. Không chỉ vậy, Dale còn liên tục cập nhật và bổ sung kinh nghiệm của mình để cuốn sách “lớn” lên cùng thời gian

Trước khi cuốn sách bắt đầu, là lời khuyên của Dale nên đọc sách như thế nào cho hiệu quả. Đó là cách giúp bạn ghi nhớ và áp dụng dễ dàng nhất. Và bởi đây là cuốn sách của hành động nên bạn sẽ cảm thấy mình muốn vận động, mình muốn thay đổi ngay sau khi đọc cuốn sách.

Bạn học được điều gì từ “Đắc nhân tâm”?

1. Hãy mỉm cười để tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp


“Hầu hết con người đều hạnh phúc nếu họ có những suy nghĩ hạnh phúc” (Abe Lincoln)


Bạn có biết rằng nếu bạn mỉm cười với vợ của mình mỗi sáng và nói với cô ấy rằng bạn yêu cô nhiều thì cuộc sống hôn nhân của bạn sẽ hạnh phúc hơn không?

Hay chỉ cần một nụ cười thật tươi cũng có thể làm bừng sáng cả văn phòng cô đơn, lạnh lẽo, gắn kết mọi người trong công ty lại với nhau không?

Nụ cười là sứ giả thiện chí truyền đi những thông điệp không lời hơn bất cứ lời nói nào. Vì vậy, để hạnh phúc, để tạo ấn tượng tốt, hãy mỉm cười bạn nhé!

2. Không chỉ trích hay than phiền


Chỉ trích là vô bổ, nó chỉ gây ra thái độ chống đối và bào chữa”

Nếu bạn tiếp cận người khác bằng cách khuyên bảo hay khen ngợi họ thì kết quả sẽ tích cực hơn rất nhiều so với việc chỉ trích, lên án họ. Bởi bản chất con người không ai thích sự chỉ trích cả. Như một cơ chế tự bảo vệ, khi bị chỉ trích con người sẽ tìm mọi cách để bào chữa, biện minh cho mình thay vì nhận lỗi sai.

Một nhà tâm lý học nổi tiếng đã chỉ ra “Nỗi sợ bị lên án của con người cũng lớn như việc khao khát được tán thưởng”. Chính vì vậy, thay vì chỉ trích người khác, hãy nhẹ nhàng khuyên bảo để họ có thể hiểu ra vấn đề của mình.

3. Thành thật quan tâm đến người khác


Trong một cuộc khảo sát xem từ nào được dùng nhiều nhất trong các cuộc điện thoại, đại từ nhân xưng “tôi” xuất hiện nhiều nhất.

Tại sao vậy? Bởi bản thân con người có thói quen đặt bản thân mình lên trên hết. Đứng trước vấn đề gì đó, ai cũng sẽ suy nghĩ về lợi ích của mình đầu tiên.

Nhưng bạn biết không “Ai không quan tâm đến đồng loại sẽ gặp những khó khăn lớn nhất trong đời và sẽ gây ra những tổn hại lớn nhất cho người khác, và sau đó đến chính họ.”(Alfred Adler)

Để thành công, bất cứ ai trong lĩnh vực nào cũng cần quan tâm đến mọi người xung quanh. Đặc biệt là trong cách đối nhân xử thế.


4. Nếu mắc sai lầm, hãy dũng cảm thừa nhận và sửa chữa


Chúng ta ai cũng sẽ mắc sai lầm. Bất kể khi nào bạn mắc sai lầm và người khác chuẩn bị chỉ trích bạn, hãy thừa nhận lỗi sai đó thật nhanh chóng và rõ ràng
Dũng cảm nhận lỗi sai không chỉ khiến người khác đánh giá bạn cao hơn, đem lại cho bạn sự dễ chịu mà còn giúp bạn dễ dàng làm chủ câu chuyện và hướng người khác theo ý muốn riêng của bạn

5. Trước khi phê bình, hãy khen ngợi

Khen ngợi trước khi góp ý cũng giống như nha sĩ bắt đầu công việc bằng thuốc tê. Nó sẽ giúp bệnh nhân khỏi đau đớn khi bị nhổ răng

Nếu bạn bắt đầu câu chuyện bằng lời khen ngợi chân thành thì người đối diện sẽ cảm thấy thoải mái, dễ dàng chấp nhận sự phê bình của bạn hơn và họ sẽ vui vẻ tự động bù đắp vào những thiếu sót đó của bản thân. Bởi khát vọng sâu sa của con người là được khen ngợi, được tôn trọng và được quan tâm.

Lời kết


“Học ăn học nói, học gói học mở”
Không phải tự nhiên mà ông bà ta lại đề cao sự quan trọng của việc ăn nói – giao tiếp. Nhiều sinh viên ngày nay vẫn rụt rè khi phát biểu trước đám đông, không dám nói lên quan điểm của mình, hay ngại ngùng, bối rối khi đứng trước nhà tuyển dụng. Lí do giải thích cho việc này không phải vì các bạn kém thông minh mà là do chưa tìm được phương pháp chính xác. Và cuốn sách này sẽ là một công cụ hữu ích trong việc cải thiện kĩ năng giao tiếp, từ đó cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày.

Trên đây chỉ là một phần rất nhỏ những bài học mà Dale mang lại qua Đắc nhân tâm. Nếu bạn có thể ứng dụng những bài học đó vào cuộc sống của chính mình thì bạn sẽ thấy cuộc sống thay đổi rất nhiều.

Và để áp dụng thành công, chắc chắn bạn sẽ mất nhiều thời gian nhưng đừng nản, hãy kiên trì nhé !