NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ FOMO – HỘI CHỨNG “SỢ BỊ BỎ LỠ”
Đã bao giờ bạn tủi thân khi thấy hội bạn đăng ảnh đi chơi rất vui mà không có mình? Hay cảm thấy lạc lõng khi ngồi giữa đám đông mà không hiểu mọi người đang nói về chuyện gì? Hàng ngày, bạn luôn trong trạng thái cập nhật tin tức và hóng những drama nóng hổi nhất để không bị bạn bè chê là “tối cổ”.
Nếu bạn thấy mình có một trong những dấu hiệu trên thì xin chúc mừng, bạn đã mắc phải FOMO – hội chứng “sợ bị bỏ lỡ”.
Vậy thực chất, FOMO là gì? Nó có nguy hiểm không? Biểu hiện của người FOMO như thế nào? Hãy cùng LSC chúng mình tìm hiểu bạn nhé!
1.Định nghĩa, bản chất của FOMO
Theo từ điển Cambridge định nghĩa: “FOMO hay Fear of Missing Out là cảm giác lo lắng rằng bản thân sẽ bỏ lỡ một điều thú vị mà người khác đang trải nghiệm, đặc biệt nguyên nhân xuất phát từ những thứ bạn thấy trên mạng xã hội”. Có thể nói rằng, những người FOMO luôn ám ảnh với việc người khác đang có cuộc sống và trải nghiệm tốt hơn mình. Bên cạnh đó là nỗi sợ bị lãng quên, bị bỏ lại phía sau luôn thường trực trong tâm trí.
FOMO có thể xuất hiện khi bạn không được mời đến bữa tiệc cuối tuần, không được đồng nghiệp rủ đi ăn trưa, không cùng chung tiếng nói với hội bạn hay đơn giản là không “bắt kịp trend” trên mạng xã hội.
Theo đó, FOMO gắn liền với cảm giác không thoải mái như lo âu, sợ hãi, buồn bực, chán nản,… Rõ ràng không ai dễ chịu khi FOMO và chỉ ước sao nỗi sợ này biến mất mãi mãi. Nhưng thực chất, không thể loại bỏ FOMO ra khỏi cuộc sống của mỗi chúng ta. FOMO là bản năng sinh tồn đã xuất hiện từ thời kỳ nguyên thủy khi loài người còn săn bắt hái lượm và sống theo bầy đàn. FOMO thúc đẩy một cá nhân bám chặt theo đàn để được bảo vệ, tránh gặp phải nguy hiểm khi ở một mình. Bản năng này theo thời gian vẫn còn tồn tại trong bộ não của người hiện đại. Điều khác biệt duy nhất là trong xã hội ngày nay, đời sống của con người an toàn hơn. FOMO dường như trở thành một điều gì đó vô cùng xấu, đem lại cho con người cảm xúc tiêu cực.
2. Biểu hiện của FOMO
Hội chứng FOMO nghe có vẻ khá mơ hồ nhưng thực chất ảnh hưởng của nó lên mỗi người có thể dễ dàng quan sát được qua những biểu hiện sau:
- Lạm dụng mạng xã hội
Đây có thể coi là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của FOMO. Mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên bạn làm là cầm ngay chiếc điện thoại xem có ai nhắn cho mình không, bài viết hôm qua đăng có thêm bao nhiêu like rồi, có drama nào hot nổ ngay trong đêm mà mình chưa kịp hóng không… Bạn không muốn bỏ lỡ bất kì cập nhật nào trên mạng xã hội nên luôn sẵn sàng kiểm tra điện thoại mỗi khi có một tiếng “Ting” kèm thông báo hiện lên màn hình.
- Cảm thấy buồn hoặc thiếu sót khi bỏ lỡ một buổi tụ tập hay sự kiện xã hội
Bản thân bạn không đam mê với những cuộc hội hè hay các địa điểm náo nhiệt. Nhưng khi thấy bạn bè vui vẻ ở đó mà không có mình, trong lòng bạn lại cảm thấy hụt hẫng như vừa bỏ lỡ một điều gì đó rất tuyệt vời. FOMO thúc đẩy bạn đi chơi cùng những người bạn không hề thích, đến những nơi làm bạn không hề vui với một tâm thế gượng ép chỉ để thỏa mãn cảm giác “không bị lãng quên” hoặc “không bỏ lỡ điều gì”.
- Cả thèm chóng chán
Bạn có dám tự tin khẳng định rằng bạn đã đọc hết tất cả số sách mà bạn mua về? Hay vẫn mặc tất cả quần áo mà bạn đã mua từ 1-2 năm trước? Nỗi sợ không bắt kịp xu hướng đã thôi thúc chúng ta bỏ tiền ra mua những món đồ không thật sự cần thiết. Mỗi khi một thương hiệu ra sản phẩm mới hay một trào lưu nổ ra là con người ta lại ganh đua nhau sở hữu cho bằng bạn bằng bè. Bất chấp sản phẩm đó có công dụng và tính năng phù hợp với nhu cầu của mình hay không. Điều này có thể là bình thường đối với những người khá giả. Nhưng bạn nên suy nghĩ lại khi cố gắng dành dụm tiền bạc chỉ để đi theo xu hướng và thoả mãn tính FOMO của mình mà không suy nghĩ gì đến tương lai.
- Tự ti về bản thân
FOMO thường gắn liền với nhận thức địa vị xã hội thấp, nó có thể gây ra cho con người cảm giác lo lắng và tự ti. Khi một người bỏ lỡ một cuộc vui hay một buổi hội họp, họ sẽ cảm thấy mình kém nổi bật và bị lãng quên bởi người khác. Bên cạnh đó, họ thường có xu hướng tự hạ thấp quan điểm cá nhân và luôn lựa chọn theo ý kiến của số đông khi cần ra quyết định. Từ đó những người FOMO thường cảm thấy bản thân thua kém mọi người xung quanh.
- Có những mối quan hệ không cần thiết
Mở rộng mạng lưới mối quan hệ để phát triển bản thân là một điều sáng suốt và đáng trân trọng. Tuy nhiên, có những bạn trẻ chấp nhận tất cả yêu cầu kết bạn và giành ra nhiều thời gian để duy trì những mối quan hệ ấy chỉ để chạy trốn khỏi cảm giác “bị bỏ lại”. Khi một người trong trạng thái cô độc quá lâu, họ như một cá thể lẻ loi và FOMO thúc đẩy họ chạy theo bất kỳ bầy đàn nào chỉ để tìm kiếm cảm giác an toàn.
3. Tác hại tiềm ẩn của FOMO
Cuộc khảo sát Quốc gia về Căng thẳng và Sức khỏe ở Úc cho thấy 60% thanh thiếu niên thừa nhận họ cảm thấy lo lắng khi biết bạn bè vui vẻ mà không có họ. Và 51% cho biết họ cảm thấy lo lắng nếu không biết bạn mình đang làm gì. Theo Viện Tâm lý Việt Pháp, việc không ngừng quan tâm về những gì mọi người đang làm chỉ khiến thanh thiếu niên bỏ lỡ cuộc sống của chính mình nhiều hơn. Trên thực tế, FOMO khiến mọi người tập trung chú ý ra bên ngoài thay vì hướng vào giá trị bản thân. Trong khi mải mê vật lộn với FOMO thì vô tình họ đã quên mất cuộc sống và niềm vui của riêng mình.
Những người mắc hội chứng FOMO thường có cảm giác sợ hãi rằng mình sẽ bỏ lỡ điều gì đó, cảm giác này ám ảnh người mắc rằng người khác sẽ biết điều gì đó mà mình không biết. Từ đó FOMO có thể thôi thúc người mắc hội chứng này phải hành động trong tình trạng thiếu lý trí dẫn đến quyết định sai lầm. Theo trang ProjectKnow.com, thanh thiếu niên cũng có thể cảm thấy áp lực khi sử dụng ma túy hoặc rượu để theo kịp bạn bè hoặc những người nổi tiếng mà họ theo dõi trên mạng xã hội.
Ngoài ra, FOMO còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của chúng ta như: mất khả năng tập trung, thiếu tự tin, luôn nghi ngờ về khả năng của bản thân… Khi một người bị chi phối quá nặng nề bởi hội chứng này có thể dẫn đến sự bất mãn tột độ, thường xuyên cảm thấy cô đơn, ganh đua, suy giảm lòng tự trọng, gia tăng năng lượng tiêu cực và dẫn đến trầm cảm. Không ngạc nhiên khi những năm gần đây, tỷ lệ sử dụng thuốc trầm cảm đang tăng mạnh bởi do hội chứng FOMO gây ra.
Thực ra ở một khía cạnh tích cực, FOMO gắn với tinh thần cầu tiến, mong muốn bản thân trở nên tốt hơn. Tuy nhiên ranh giới của mong muốn cầu tiến và ghen tị cũng vô cùng mong manh. Khi mưu cầu điều tốt đẹp biến thành nỗi sợ thua thiệt độc hại sẽ tác động xấu đến nhiều mặt trong cuộc sống. Bản năng tâm lý sẽ tìm cách để đối phó với nỗi sợ đó và cách dễ dàng nhất là dìm người khác xuống. Dù vậy, sự đố kỵ chỉ đem lại cảm giác thỏa mãn nhất thời. Về lâu dài, nó sẽ lại ăn mòn sức khỏe tinh thần và gặm nhấm đi niềm vui sống của chính chúng ta.
4. Cách giải quyết và tháo gỡ FOMO
Như đã đề cập, FOMO không chừa một ai và không thể hoàn toàn loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống của mình. Bởi nó vốn dĩ là một phần được lập trình mặc định sẵn trong bộ não của chúng ta. Điều chúng ta có thể làm là thay đổi suy nghĩ để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ nó đến cuộc sống của bản thân.
- Thay đổi tư duy sử dụng mạng xã hội
Hãy thử nghĩ lại, từ trước đến giờ bạn sử dụng mạng xã hội như thế nào? Bạn lướt Tik Tok để tìm kiếm những nội dung giải trí, sở thích, phát triển bản thân hay chỉ để xem có trend nào chưa kịp đu, có drama nào chưa kịp hóng? Bạn dùng Instagram để chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ của bản thân hay chỉ để trực chờ story của bạn bè xem họ đang sống ra sao?
Cái gì cũng có hai mặt của nó và mạng xã hội cũng vậy. Người ta chỉ đăng lên đó những mặt tốt nhất, những điều “màu hồng” nhất mà không tiết lộ những góc khuất đằng sau bức tranh rực rỡ ấy. Con đường đến với thành công của mỗi người, dù có được trải bằng hoa hồng nhưng vẫn sẽ có đầy chông gai. Do vậy, khi thấy một cá nhân giỏi giang xuất chúng, đừng vội tự ti hay ganh tỵ. Chúng ta hãy nhìn nhận với thái độ tích cực và cầu tiến hơn, lấy đó làm động lực để phát triển chính bản thân mình.
Tham khảo: ĐẶT CHIẾC ĐIỆN THOẠI XUỐNG VÀ CẢM NHẬN CUỘC SỐNG NÀO!
- Tập trung vào thế mạnh của bản thân – Tìm kiếm niềm vui cho riêng mình
Một trong những nguyên nhân khiến bạn FOMO là chưa thực sự hiểu rõ giá trị của bản thân. Vì bạn không biết mình thích gì hay muốn gì nên bạn mới chỉ biết theo sau và tìm kiếm niềm vui từ người khác.
Hãy ngồi xuống và nhớ lại xem, bạn có từng yêu thích một môn thể thao, một nhạc cụ hay một lĩnh vực mà trước đây chưa dám thử hay không? Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Từ đó lựa chọn ra một sở thích, một công việc phù hợp với bản thân và hết mình vì nó. Thời gian đầu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi đó, hãy nghĩ về một ngày bạn có thể vững bước trên con đường và đứng trên đỉnh vinh quang của riêng mình, không còn phải phiền lòng hay lung lay vì FOMO thêm chút nào nữa.
- Trân trọng và biết ơn với những gì mình đang có
Đôi khi, chúng ta quá mải mê đuổi theo sau những tham vọng của bản thân mà quên đi những giá trị đang hiện hữu trong cuộc sống của mình. Dừng lại một chút và ngẫm lại xem bạn may mắn đến nhường nào khi thức dậy trong tiếng báo thức chứ không phải là tiếng bom mìn như ông bà ngày xưa. Bạn hạnh phúc ra sao khi được ba mẹ nuôi nấng đến tuổi trưởng thành thay vì phải mưu sinh từ thuở tấm bé như những em nhỏ đánh giày bên lề đường.
Hãy thử thể hiện lòng biết ơn của bạn bằng cách viết nhật ký mỗi ngày hoặc nói với người khác rằng bạn cảm thấy may mắn ra sao khi có họ ở bên. Những điều này tưởng như nhỏ nhặt nhưng sẽ giúp bạn tìm được hạnh phúc của riêng mình thay vì chạy theo hạnh phúc của người khác. Khi bạn trân trọng và biết ơn, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời của mình trọn vẹn hơn và không có lý do gì phải chán nản hay ghen tỵ với thành công của bất kỳ ai khác.
- Tận hưởng JOMO
JOMO hay Joy of Missing Out là một thuật ngữ đối lập với FOMO. JOMO là sự tận hưởng khi bỏ lỡ một điều “có vẻ vui” mà người khác đang làm, để tập trung vào điều khiến bản thân thực sự hạnh phúc. “Chọn JOMO nghĩa là bạn chọn hài lòng với thực tại và chỉ quan tâm đến những ưu tiên của mình, thay vì so đo với người khác và cố gắng bắt kịp tất cả xu hướng chung”, tiến sĩ tâm lý học Kristen Fuller viết trên tạp chí Psychology Today. Ngoài ra tác giả còn cho rằng JOMO là liều thuốc giải độc thông minh về cảm xúc cho FOMO!
Vậy cách dùng của “liều thuốc” này như nào? Hãy để nhà Cam chúng mình cho bạn một vài gợi ý nhé:
– Tìm lại niềm vui bên ngoài chiếc điện thoại với những sở thích như đọc sách, nấu ăn, trồng cây, chơi với thú cưng, chơi thể thao,…
– Sử dụng mạng xã hội với đúng mục đích là chia sẻ và lưu giữ khoảnh khắc trong cuộc sống thay vì cố lôi kéo sự chú ý của người khác
– Sử dụng phần mềm Kill News Feed khi cần tập trung cho việc mình làm
– Tắt các ứng dụng liên hệ công việc trong kỳ nghỉ dưỡng
– Dừng việc làm nhiều thứ cùng một lúc
– Học cách nói “KHÔNG” với những lời mời, cuộc hẹn, hoặc công việc mình không muốn làm
Tham khảo: HỌC CÁCH NÓI “KHÔNG”
LỜI KẾT
Mỗi khi cảm thấy FOMO, hãy nhớ rằng mỗi người có một cuộc sống, một timeline của riêng mình. Hạnh phúc rồi sẽ đến với bạn, chỉ cần bạn chấp nhận bản thân và kiên định với con đường mình đã chọn mà thôi. Tuổi trẻ của chúng mình ngắn lắm, đừng mãi FOMO mà cứ YOLO đi bạn nhé!
cảm ơn page nhiều