LÀM SAO ĐỂ SỐNG THẬT MÀ KHÔNG TRỞ THÀNH “NÔ LỆ CỦA CẢM XÚC”?

“Được sống thật với cảm xúc là một điều hạnh phúc. Nhưng đừng bao giờ biến nó trở thành “chủ nô” tiêu khiển mọi hoạt động, suy nghĩ của chính mình”

Bạn có từng cảm thấy tự ti trước vô vàn những người giỏi, cảm thấy tuyệt vọng và mất phương hướng trước những thách thức đầu đời?

Bạn cũng từng tỏ ra mình mạnh mẽ, vui vẻ bề ngoài nhưng sâu bên trong là nỗi cô đơn thầm kín?

Nếu bạn đã có những cảm xúc trên thì đừng vội lo lắng vì đó là một điều hoàn toàn bình thường và hợp tự nhiên. Nhưng bạn biết không, tự ti lâu ngày sẽ dẫn đến trầm cảm. Thất vọng tột cùng sẽ chán nản, tuyệt vọng. Còn nếu tiếp tục kìm nén, giấu diếm cảm xúc trong lòng thì đến một ngày kia, bạn sẽ không còn là bạn nữa!

Vậy, làm sao để chúng ta sống thật với bản thân, không lừa gạt cảm xúc nhưng cũng không biến chúng thành “chủ nô” tiêu khiển mọi hoạt động, suy nghĩ của chính mình? Hãy dành một chút ít thời gian để cùng LSC tìm ra câu trả lời thích đáng nhé!

TẠI SAO CON NGƯỜI NÊN SỐNG THẬT VỚI CẢM XÚC?

Có đáng hay không khi cảm xúc – điều duy nhất giúp bạn bộc lộ con người, giải tỏa phiền muộn lại bị lừa gạt, chôn vùi dưới lớp vỏ hào nhoáng?  Hãy thử hỏi xem bạn là ai và cuộc sống này còn có ý nghĩa gì nếu không thành thật với chính mình? Mọi thứ sẽ thật giả dối, hèn hạ và nhàm chán đúng không?


“Điều cốt yếu và quan trọng nhất để bạn sống thật với cảm xúc bản thân là làm điều con tim mình muốn”

Vậy nên, hãy để con tim lên tiếng. Khi vui hãy cười để chia sẻ thứ năng lượng tích cực bạn đang có; buồn thì hãy khóc thật to để trút hết mọi chuyện; có tức giận ai cũng nói ra và đừng giấu trong lòng; nếu đau đớn, tuyệt vọng thì hãy tâm sự, sẻ chia cùng người khác, đó mới chính là con người của bạn. Bởi “Điều cốt yếu và quan trọng nhất để bạn sống thật với cảm xúc bản thân là làm điều con tim mình muốn”

LÀM SAO ĐỂ “SỐNG THẬT” MÀ KHÔNG BỊ CẢM XÚC CHI PHỐI?

“Cái gì quá cũng không tốt” – Chắc hẳn bạn đã từng một lần nghe qua câu nói này. Và điều đó cũng đúng cho cảm xúc của bạn nữa. Bạn sống thật với cảm xúc chính mình không đồng nghĩa với việc bạn mất hết lý trí. Ranh giới giữa việc được là chính mình và việc trở thành nô lệ cảm xúc thực sự rất mong manh.

Nếu cảm thấy mình đang quá dễ dãi với cảm xúc của mình, hãy áp dụng 2 điều sau đây:

1. SUY NGHĨ TÍCH CỰC

Cùng lấy một câu chuyện để làm ví dụ nhé: Khi bạn khởi nghiệp, bạn dùng hết tâm huyết của mình để xây dựng mơ ước. Nhưng đến một ngày kia khi mọi việc không như ý bạn, công ty phá sản. Bạn chán chường, thất vọng về bản thân. Lúc này có hai trường hợp xảy ra. Một là, bạn sẽ lấy điều đó làm động lực, làm bài học kinh nghiệm để tiếp tục phấn đấu. Hai là, bạn sẽ trượt dài trên nỗi tuyệt vọng của cảm xúc, không  thể nào thoát ra được và dần dần nó sẽ khiến bạn sẽ buông xuôi tất cả.

Vậy ranh giới đó là gì? Như trong trường hợp trên, nếu bạn suy nghĩ tích cực “mình đã làm tốt chỉ là cố gắng chưa đủ” thì điều này sẽ thúc giục bạn tiếp tục theo đuổi mơ ước. Nhưng trong khi đang buồn chán ấy, bạn lại có xu hướng nghĩ rằng “mình thất bại” thì chuỗi cảm xúc tuyệt vọng sẽ tiếp tục tiếp diễn buộc bạn phải bỏ cuộc.


“Thay vì đưa ra cho mình lý do tại sao mình không thể làm điều gì đó, hãy cho bản thân lý do tại sao mình có thể”


Cho nên, nghĩ khác đi. Hãy học cách biến nỗi buồn thành động lực để vươn lên, biến nỗi cô đơn thành động lực để hòa nhập, biến sự tự ti thành động lực để thể hiện bản thân, biến sự yếu đuối thành động lực để mạnh mẽ!

Còn đối với những cảm xúc tích cực như sự vui sướng, mãn nguyện hãy dành thời gian cảm nhận nó một cách trọn vẹn nhưng luôn luôn nhớ một điều rằng “Đừng bao giờ ngủ quên trên chiến thắng”. Chỉ có như vậy chúng ta mới không sa đà vào cái bẫy của cảm xúc.

2. HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

“Chẳng có điều gì xảy ra cho đến khi bạn hành động”

Có một sự thật không thể phủ nhận, đó là con người thường không dễ dàng vượt qua bẫy của “nô lệ cảm xúc” một khi đã chìm trong nó. Lắng nghe con tim mình hơn, suy nghĩ tích cực hơn nhưng nếu tất cả chỉ được biểu hiện bằng lời nói suông thì cũng chẳng có tiến triển là bao. Việc cần thiết lúc này là biến chúng thành những hành động cụ thể!


“Chẳng có điều gì xảy ra cho đến khi bạn hành động”

Như trong câu chuyện đã kể trên, sau khi có những suy nghĩ tích cực bạn hãy bắt tay ngay vào việc thực hiện hóa chúng. Hãy tập trung làm những điều có thể dễ dàng đạt được thành quả trong thời gian ngắn hạn trước. Bởi vì khi bạn gặt hái dù chỉ là chút ít thành công, bạn sẽ tăng cường những cảm xúc tích cực, dần dần kiểm soát và cân bằng lại trạng thái tâm lý của chính mình.

Tóm lại, hãy đứng lên và bắt tay ngay vào một công việc nào đó, đơn giản như: đi dạo quanh công viên, thưởng thức món ăn bạn yêu thích hay viết ra những tâm sự trong lòng. Và rồi tiếp tục kiên trì, tin tưởng rằng những hành động ấy sẽ đem lại hiệu quả. Bạn sẽ bất ngờ cảm nhận được sự tươi mới hay những hạnh phúc nhỏ bình dị của cuộc sống xung quanh. Lúc này đây, thứ năng lượng tích cực sẽ dần quay trở lại khiến bạn hòa nhập vào một guồng quay mới.

LỜI KẾT

Bài viết nhằm mục đích chia sẻ những phương pháp giúp bạn sống hạnh phúc hơn, có góc nhìn đa chiều hơn để kiểm soát tốt cảm xúc của chính mình. Tuy nhiên, cách áp dụng chúng vào mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Điều quan trọng nhất vẫn do bạn quyết định. Hãy kiên trì và tin tưởng vào bản thân bạn nhé!

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Leave a Reply

Your email address will not be published.