5 PHONG TỤC ĐÓN NĂM MỚI ĐỘC ĐÁO KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT

Tết cổ truyền, hay còn được biết đến với cái tên Tết Nguyên đán, là ngày lễ lớn và quan trọng bậc nhất tại Việt Nam. Theo truyền thống người Việt, Tết là thời điểm mở đầu một năm, bắt đầu một chu trình mới của bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Trong dịp này, rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn.

Không chỉ phong phú về ngôn ngữ, trang phục, lối sống,… truyền thống đón Tết cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào từng dân tộc, từng vùng miền. Trong đó, có những tập tục rất đặc biệt nhưng được ít người biết đến. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng LSC tìm hiểu về 5 phong tục đặc sắc tại các vùng miền trên khắp đất nước nhé!

  1. Gánh nước cầu may

Tục gánh nước là một trong những tục khi Tết đến, được thực hiện vào trước thời điểm chuyển giao năm mới. Tuy không quá phổ biến nhưng nó vẫn được xem là một nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa của người Việt. Cho đến nay, tục gánh nước cầu may chỉ còn được thực hiện ở một số vùng, tiêu biểu như ở vùng quê Vĩnh Phúc (Bình Xuyên, Phúc Yên, Mê Linh).

Theo quan niệm dân gian, nước tượng trưng cho sự sống, cho tài lộc, như ông bà ta có câu “tiền vào như nước”. Bên cạnh đó, nền văn minh lúa nước từ ngàn năm của người Việt càng đề cao tầm quan trọng của nước trong đời sống. Vào lúc giao thừa, nước trong nhà phải tràn ngập các bể, các chum, vại, các chậu lớn, chậu nhỏ; gạo phải đong đầy các sạp, các hũ và thức ăn phải dồi dào trong nhà bếp. Có như vậy, sang năm mới gia chủ sẽ ăn nên làm ra, lúa gạo trong nhà luôn đủ đầy.

2. Phong tục Tết Nhảy của người Dao

Tiếp đến là một phong tục hết sức thú vị của người dân tộc Dao – Tết Nhảy. Người Dao quan niệm, ngày Tết là dịp để bà con trong buôn làng vui chơi, ca hát, thăm hỏi lẫn nhau. Vì thế, Tết Nhảy ra đời để thỏa mãn những mong muốn trên.

Tết Nhảy tổ chức vào khoảng từ ngày mùng 1 đến 25 tháng Chạp, thời gian lễ hội diễn ra đầy đủ khoảng 3 ngày 3 đêm. Nét đặc sắc trong tục này nằm ở phần lễ và hội đan xen nhau, những người hành lễ vừa cúng, vừa múa và đọc thơ. Không chỉ mang đến một năm mới tràn ngập sức sống, Tết Nhảy còn giúp người Dao được dịp rèn luyện thể chất dẻo dai, cơ thể săn chắc để chuẩn bị cho những vụ mùa mới đang chờ đợi ở phía trước. Trong tiếng chiêng trống rộn rã, người dân nhảy múa say sưa không ngừng, bất kể ngày hay đêm. Nếu có ai đó mệt thì nghỉ, người khác thay vào, cứ như thế trong suốt lễ hội.

3. Phong tục Dính tro và ném xôi của người Giẻ Triêng

Dân tộc Giẻ Triêng là một trong sáu dân tộc sinh sống lâu đời trên vùng đất Kon Tum. Tết của người Giẻ Triêng có tên là Tết Cha Kchah, bao gồm nhiều phong tục thú vị, trong đó phải kể đến tục dính tro và ném xôi lên mái nhà. 

Cứ mỗi 26, 27 tháng Chạp, thanh niên trai tráng trong làng sẽ rủ nhau lên rừng đốn những cây gỗ tốt, sau đó đem đốt thành than. Tiếp đến, số than đã đốt sẽ được bảy thành viên cõng từ trong rừng về buôn làng trong tiếng chiêng, trống chào đón của dân làng. Những người còn lại ở nhà sẽ chuẩn bị nấu xôi và nắm vào các cây khô rồi đốt thành tro, tung lên để đám đông phía dưới cùng hứng. Người Giẻ Triêng quan niệm, càng hứng được nhiều tro, năm mới sẽ càng suôn sẻ, may mắn.

4. Phong tục Dựng cây nêu

Dựng cây nêu ngày Tết là phong tục truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ còn một số ít nhà duy trì phong tục ấy. Tại một số nơi ở Hà Nội, chúng ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây nêu dựng trước các hộ gia đình.

Hoạt động này diễn ra vào ngày 24 tháng Chạp, sau ngày ông Công ông Táo và khi hạ cây nêu cũng là lúc người nông dân xuống đồng cày cấy vào mùng 7 tháng Giêng. Các vật dụng treo trên ngọn nêu có thể khác nhau ở mỗi vùng tùy theo quan niệm, tập quán mỗi nơi, nhưng thường là giỏ bắt cua hoặc cây gai,… 

Dân gian lưu truyền sự tích về cây nêu, kể rằng khi xưa, Quỷ chiếm toàn bộ đất, còn Người phải đi làm thuê. Quỷ càng lúc càng bóc lột, cho nên Người phải dùng cách trồng cây nêu để xua đuổi Quỷ về quấy phá. Phong tục dựng cây nêu để xua đi những không may trong năm mới cũng ra đời từ đó. Những ngọn nêu vươn cao trong nắng gió là ước mong cho một năm mới bội thu và nhiều may mắn.

5. Phong tục Thờ bát nước lã của người Pà Thẻn

Đối với người Pà Thẻn – một dân tộc cư trú ở tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phong tục quan trọng nhất trong ngày Tết là thờ bát nước lã trên bàn thờ tổ tiên của gia đình cùng một chiếc đĩa được úp bên trên. Họ cho rằng bát nước đó tượng trưng cho biển, chứa đựng hồn tổ tiên và các thành viên trong gia đình.

Vào đêm giao thừa, tất cả các cửa trong nhà đều được đóng kín và bịt hết lỗ thoáng, sau đó chủ nhà sẽ dùng nước trong bát đó để lau chùi sạch sẽ và thay lượt nước khác để đón chào năm mới. Mọi hành động trên đều diễn ra bí mật, nếu trót bị lọt ra ngoài thì cả nhà sẽ gặp xui xẻo, vận hạn trong năm tới. Và đặc biệt, bát nước này không bao giờ được cạn vì nếu để cạn thì gia đình sẽ có người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp điều không may.

Lời kết

Phong tục, tập quán chính là một nét đẹp trong truyền thống, văn hóa của đất nước ta. Dù trải qua biết bao những biến động lịch sử, người Việt Nam vẫn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền, mang đậm bản sắc văn hóa mà ít có quốc gia nào có được.

Trong cuộc sống hiện đại, mọi thứ đều biến đổi nhanh chóng để giúp con người phát triển xa hơn. Tuy nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc chắc chắn sẽ luôn là điều được chúng ta nâng niu và trân quý. Hãy chung tay cùng nhau gìn giữ những giá trị tinh thần đẹp đẽ ấy, để nét đẹp văn hoá truyền thống được lưu truyền đến những thế hệ sau.

Cuối cùng, LSC xin chúc bạn đọc một năm mới Tân Sửu sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng và thành công trên con đường của bản thân. Hy vọng bạn sẽ có khoảng thời gian thật đầm ấm bên gia đình, cùng nhau chào đón giây phút giao thừa. Chúc mừng năm mới!

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Leave a Reply

Your email address will not be published.